Hiệp định CPTPP được ký kết: Cơ hội hay thách thức phụ thuộc vào sự chuẩn bị của Việt Nam

20:46 | 09/03/2018
Rạng sáng nay (9/3) theo giờ Việt Nam, 11 quốc gia thành viên Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức ký kết hiệp định này tại thủ đô Santiago của Chile.
Hiệp định CPTPP được ký kết: Cơ hội hay thách thức phụ thuộc vào sự chuẩn bị của Việt Nam

Đây là một trong những hiệp định thương mại quan trọng bậc nhất nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

11 thành viên tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Hiệp định CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD, tức là khoảng 1/6 thương mại toàn cầu.

Trong đàm phán CPTPP kéo dài và nhiều khó khăn, sự tham gia tích cực của Việt Nam đã được nhiều nước thành viên đánh giá cao. Theo quy định, chỉ cần 6 trong tổng số 11 quốc gia thành viên thông qua là CPTPP sẽ có hiệu lực đầy đủ. Ước tính, CPTPP sẽ được chính thức triển khai từ cuối năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm sau.

Dự kiến ngay sau khi hiệp định được thực thi, từ 95- 98% số dòng thuế giữa các quốc gia sẽ về 0% ngay lập tức, các dòng thuế còn lại sẽ theo lộ trình trung bình từ 5- 7 năm

Như vậy Việt Nam đã chính thức bước vào sân chơi lớn về thương mại với 10 nền kinh tế khác tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Nhiều đánh giá đã cho rằng: CPTPP vừa được ký kết coi là dấu mốc lịch sử, cho thấy sự trỗi dậy của các nền kinh tế châu Á và đánh dấu sự dịch chuyển của trật tự thương mại toàn cầu, thậm chí nhiều chuyên gia nhận định: CPTPP có khả năng góp phần quan trọng tái định hình luật lệ thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đối với riêng Việt Nam, sau khi CPTPP được ký kết, Ngân hàng HSBC đã cho biết, có tới 2 phần 3 doanh nghiệp tại Việt Nam được khảo sát tin rằng: Hiệp định này sẽ có ảnh hưởng tích cực tới hoạt động kinh doanh của họ. Còn trong một công bố đưa ra hôm nay, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá: Với giả định khiêm tốn thì CPTPP sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP cho Việt Nam tính đến 2030, còn chỉ cần tăng năng suất vừa phải, thì CPTPP sẽ góp phần làm GDP tăng thêm tới 3,5%.

Ngành gỗ Việt bước ra cuộc chơi toàn cầu

Đối với những ngành hàng cụ thể thì theo đánh giá của Moody's, dệt may là một trong số các ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP. Những cơ hội do hiệp định này mang lại cũng sẽ góp phần giúp xuất khẩu ngành dệt may tăng thêm được khoảng 3 đến 3,5 tỷ USD ngay trong năm nay.

Bên cạnh ngành dệt may, một lĩnh vực khác cũng đã hào hứng chờ đợi sự kiện ký kết hiệp định CPTPP. Đứng thứ 5 về xuất khẩu gỗ trên toàn thế giới, ngành gỗ Việt Nam là một trong những ngành đặt nhiều kỳ vọng ở hiệp định CPTPP. Bởi khi hiệp định này được ký kết, tăng trưởng doanh thu của ngành xuất khẩu gỗ có thể sẽ không chỉ dừng ở con số 8 tỷ USD như hiện nay.

Rào cản lớn nhất đối với nhiều doanh nghiệp gỗ chính là thuế nhập khẩu vẫn còn cao trên dưới 12%. Tuy nhiên, hiệp định ký kết, doanh nghiệp kỳ vọng doanh thu xuất khẩu vào khối này trong tương lai sẽ tăng gấp 2 đến 3 lần.

Ý thức được lợi ích sau khi Hiệp định CPTPP được thông qua, các doanh nghiệp ngành gỗ đã chủ động đón đầu. Từ tham gia các hội chợ đồ gỗ lớn trên thế giới, tiếp cận bạn hàng đến từ các nước trong khối CPTPP, đến thay đổi mẫu mã, kích thước sản phẩm linh hoạt, định mức giá phù hợp cho riêng từng thị trường để đẩy nhanh xuất khẩu khi có cơ hội.

Có thể nói, CPTPP mở ra cơ hội đưa đồ gỗ Việt có mặt được ở hơn 10 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cơ hội này sẽ đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt phải mở rộng sản xuất cả về lượng lẫn chất.

Ngành xuất khẩu gỗ có mức tăng trưởng bình quân trên 10% mỗi năm. Năm nay 2018, ngành này tiếp tục đặt ra mục tiêu chinh phục mới là gần 9 tỷ USD doanh thu xuất khẩu.

Mục tiêu càng ngày phải càng lớn bởi nhiều doanh nghiệp cho hay, cuộc chơi xuất khẩu gỗ Việt giờ đã là cuộc chơi toàn cầu.

Đối với CPTPP, bên cạnh những lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo hay đồ gỗ thì một số ngành như nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến thực phẩm hay mía đường và dược phẩm sẽ đối mặt với nhiều thách thức và cạnh tranh mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, cơ hội hay thách thức, phần lớn phụ thuộc vào sự chuẩn bị, còn nếu chuẩn bị không tốt và không chủ động, tích cực, thậm chí còn thụ động sẽ phải trả giá.

Sau lễ ký kết ngày hôm nay, các Bộ trưởng của 11 nước đã bày tỏ quyết tâm sẽ nỗ lực hết sức hoàn thành một cách nhanh chóng các thủ tục pháp lý trong nước nhằm sớm đưa Hiệp định vào thực thi cũng như các quốc gia đang quan tâm tới việc tham gia CPTPP như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines hay Vương quốc Anh sẽ được chào đón.

Nguồn: VTV4.VTV.VN