Chủ tịch nước: TP Hồ Chí Minh phải tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội ở mức cao

11:42 | 30/07/2021
Đây là yêu cầu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo các bệnh viện lớn của Thành phố Hồ Chí Minh sáng 30/7.
Chủ tịch nước: TP Hồ Chí Minh phải tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội ở mức cao

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thành phố phải tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội ở mức cao như hiện nay cùng với phương châm "vừa phải chữa cháy nhà, vừa phải lo chữa người bị bỏng".

Đến 30/7, Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 61 ngày giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, trong đó có 19 ngày giãn cách xã hội ở cấp độ cao nhất.

Với hơn 80.000 người mắc COVID-19 được ghi nhận, trung bình mỗi ngày thành phố có gần 3.400 người mắc COVID-19, phần lớn ở trong khu vực cách ly hoặc phong tỏa. Mặc dù đã điều trị khỏi được cho hơn 25.000 người nhưng thành phố vẫn phải đang điều trị cho hơn 36.000 bệnh nhân, trong đó, 875 bệnh nhân nặng phải thở máy. Trong đêm 29/7, số người mắc mới được công bố vẫn lên đến 2.740 người.

Với trách nhiệm, tình cảm và kinh nghiệm chỉ đạo, đúc kết được trong 3 lần chiến thắng dịch COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ thêm các quan điểm và biện pháp phòng chống dịch đối với TP Hồ Chí Minh. Trong đó, điều cốt tử lúc này là thực hiện nghiêm hơn nữa giãn cách xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; xã, phường cách ly với xã, phường, Thành phố cách ly với tỉnh, song hành với điều trị bệnh nhân COVID-19.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để người dân thực hiện nghiêm cách ly y tế trong các khu vực phong tỏa dài ngày, chính quyền phải lo bữa ăn cho nhân dân, không được để dân đói, dân ốm mà không có người chăm sóc và để dân cùng cực. Đây là thách thức rất lớn với một đô thị trên 10 triệu dân như TP Hồ Chí Minh.

Do đó, Thành phố phải chủ động và khẩn trương cấp thẻ cho những người giao hàng bằng xe máy, lái xe tắc xi và người hoạt động thiện nguyện để hỗ trợ cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời tổ chức tiêm vaccine cho những người này trước.

Bên cạnh đó, các Bí thư chi bộ, tổ trưởng các khu dân cư và chính quyền cơ sở phải bị xử lý nghiêm nếu để người dân thiếu lương thực, thực phẩm hoặc bị bệnh mà không được chăm sóc kịp thời. Thành phố cũng phải tăng thêm số lượng xe cấp cứu để kịp thời không chỉ đưa bệnh nhân COVID-19 mà còn cả những người bị bệnh khác đến bệnh viện điều trị kịp thời, có như vậy mới giảm được số người tử vong.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến đại diện các bộ, ngành Trung ương ủng hộ Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống COVID-19. Ảnh: TTXVN

Để góp phần tăng cường năng lực phòng chống dịch cho TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp vận động các doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ thành phố 103 tỷ đồng và 30 máy thở. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng trao 23 tỷ đồng hỗ trợ của Hội hữu nghị Hàn Quốc - Việt Nam gửi tặng nhân dân TP Hồ Chí Minh chống dịch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến đại diện các bộ, ngành Trung ương ủng hộ Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống COVID-19. Ảnh: TTXVN

Ngay sau cuộc làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và đồng bào, chiến sĩ tỉnh Bình Dương - tâm dịch lớn thứ 2 ở phía Nam. Chủ tịch nước đã tới thăm thành phố Thuận An, giáp danh với TP Hồ Chí Minh, nơi đang ghi nhận nhiều người mắc COVID-19 trong nửa tháng qua và thăm bệnh viện dã chiến tỉnh Bình Dương.

Nguồn: VTV.VN