Chủ tịch Quốc hội dự IPU-140: Khẳng định vị thế Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế

02:22 | 10/04/2019
Chuyến thăm chính thức Pháp, Maroc, thăm, làm việc với Nghị viện châu Âu, tham dự IPU của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thành công tốt đẹp.
Chủ tịch Quốc hội dự IPU-140: Khẳng định vị thế Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam vừa kết thúc chuyến thăm chính thức tới Pháp, Maroc, thăm, làm việc với Nghị viện châu Âu và tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU lần thứ 140.

Trong 13 ngày làm việc tại các quốc gia ở 3 châu lục, chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội đã đánh dấu một cột mốc mới trong ngoại giao Nghị viện, khẳng định vị trí của Quốc hội Việt Nam trên diễn đàn quốc tế và tăng cường hợp tác song phương, phục vụ công cuộc phát triển của đất nước.

Với chủ đề "Các Nghị viện là nền tảng để tăng cường giáo dục vì hòa bình, an ninh và pháp quyền", Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU-140 diễn ra tại Qatar đã thu hút sự tham gia của 1.600 đại biểu từ 162 quốc gia, trong đó 76 lãnh đạo nghị viện các nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhận được sự đón tiếp trọng thị của nước chủ nhà khi trở thành người thứ 2 phát biểu trong ngày thảo luận đầu tiên của sự kiện. Trong bài phát biểu trước các Nghị viện thành viên, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thông điệp quan trọng, đó là Quốc hội Việt Nam đã nỗ lực phát huy vai trò của mình để đạt được mục tiêu phát triển giáo dục, từ đó xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Cũng tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới, Chủ tịch Quốc hội tiếp tục khẳng định Quốc hội Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm thông qua việc đưa ra những khuyến nghị để Liên minh Nghị viện thế giới đổi mới hoạt động.

Bên cạnh những sự kiện chính diễn ra tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã tiếp xúc với lãnh đạo Nghị viện các nước Nga, Iran, Kazakhstan, Sri Lanka, Trung Quốc. Những hoạt động này không chỉ gói gọn trong nội dung tăng cường hợp tác giữa các nước trên kênh nghị viện, mà còn hướng tới những nội dung thực chất và hiệu quả, đó là tìm ra những biện pháp giúp mở rộng hợp tác để cùng phát triển. Như với Qatar, hai nước hướng tới hợp tác về thương mại, y tế, dịch vụ, du lịch thay vì chỉ dầu khí và lao động ngành xây dựng như trước đây. Còn đối với Iran, nội dung hợp tác được chú trọng bao gồm khuyến khích các doanh nghiệp khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại, đầu tư, đưa kim ngạch song phương lên 2 tỷ USD.

Thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu trong chuyến công tác, Quốc hội Việt Nam mang theo một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đó là thúc đẩy việc ký kết và thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Mặc dù cả Quốc hội Việt Nam và các lãnh đạo Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu đều khẳng định quan điểm tích cực đối với việc sớm ký và thông qua hiệp định này vì những lợi ích cho cả hai phía, cụ thể là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm ở Việt Nam - EU. 

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân còn để lại dấu ấn trong thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với Maroc và Pháp, trên cơ sở quan hệ hợp tác Nghị viện. Đối với Maroc, chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam sau 14 năm được coi là cơ hội để hai nước đẩy nhanh việc hợp tác nhiều mặt một cách thực chất qua hoạt động ngoại giao Nghị viện khi tiềm năng được đánh giá còn rất lớn.

Còn tại Pháp, quan hệ giữa hai nước đang trên đà phát triển, bên cạnh các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao của Pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã có những cuộc tiếp xúc nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư. Sự xuất hiện của 15 doanh nghiệp hàng đầu Pháp với hàng loạt những kiến nghị, đề xuất đã cho thấy quyết tâm của Pháp với định hướng rõ nét trong đẩy mạnh đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nhất là cơ sở hạ tầng hàng không, nông nghiệp công nghệ cao và phân phối thực phẩm.

Tại cả Pháp và Maroc, một nội dung được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong chuyến thăm, đó là cần thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương. Cùng với việc ký Bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng của Việt Nam và Tangier, Maroc, việc Chủ tịch Quốc hội tham dự Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 11 cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao tới hợp tác ở cấp địa phương. Trong đó, những chỉ đạo về tăng cường sáng tạo đã mở ra những phương hướng hợp tác cấp địa phương trong bối cảnh của các hiệp định thương mại tự do đa phương thế hệ mới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Với gần 50 hoạt động, chuyến thăm chính thức Pháp, Maroc, thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu, tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thành công tốt đẹp. Điều này khẳng định tầm quan trọng của kênh ngoại giao Nghị viện, khẳng định vị thế của Quốc hội Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, tạo sự lan tỏa tới các mối quan hệ song phương và đa phương trong một thế giới có nhiều biến động.

Nguồn: VTV.VN