Đoàn Nghị sĩ Hoa Kỳ tham dự lễ khởi công dự án Tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa

09:34 | 20/04/2019
Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban chuẩn chi Thượng viện Mỹ, đã chia sẻ với phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam một số câu chuyện trong quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam.
Đoàn Nghị sĩ Hoa Kỳ tham dự lễ khởi công dự án Tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa

Từ ngày 17 - 21/4/2019, Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban chuẩn chi Thượng viện Mỹ, dẫn đầu một đoàn nghị sỹ Mỹ thăm Việt Nam. Đoàn Nghị sĩ Hoa Kỳ tham dự lễ khởi công dự án Tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa và dự lễ ký kết bản ghi nhớ về việc triển khai Quỹ hỗ trợ dành cho người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh bị phun rải chất da cam.

Ông Patrick Leahy từng giữ vị trí Chủ tịch thường trực Thượng viện Mỹ (2012 - 2015), là một trong những người đi đầu trong quá trình giải quyết hậu quả chiến tranh và thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt. Trước chuyến đi tới Việt Nam lần này, Thượng nghị sỹ Leahy đã chia sẻ với phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam thường trú tại Mỹ một số câu chuyện trong quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam.

Thượng nghị sỹ Mỹ Patrick Leahy chia sẻ: "Để tôi kể lại một kỉ niệm mà tôi nhớ rất rõ khi lần đầu sang thăm Việt Nam. Đó là một ngày rất nóng ở ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi gặp vài người, có lẽ khoảng 40 tuổi. Họ đều bị cụt chân vì dính phải mìn. Họ ngồi đó, trong nhiều năm chỉ có thể dùng tay để di chuyển trên mặt đất. Tuy nhiên, vào thời điểm tôi tới, họ sẽ nhận những chiếc xe lăn thông qua Quỹ Nạn nhân chiến tranh Leahy mà chúng tôi đã thành lập.

Một người đàn ông trong số này bị thương rất nặng. Tôi nghĩ ông ấy chắc hẳn sẽ rất ghét tôi. Khi tôi bế đặt ông ấy vào xe lăn, ông ấy bất ngờ nắm lấy cổ áo tôi, kéo tôi xuống và hôn tôi. Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc đó.

Trở về Mỹ, tôi kể lại câu chuyện với Tổng thống Bush cha. Tôi thấy ông ấy rơm rớm nước mắt. Do đó, tôi tự cam kết với bản thân là cần phải làm nhiều hơn cho Việt Nam. Tôi biết, đôi lúc tiến hai bước thì lại phải lùi lại một bước, nhưng chúng tôi đã luôn cố gắng. Cố Thượng nghị sĩ John McCain, cựu Ngoại trưởng John Kerry và nhiều người khác cũng nỗ lực như vậy.

Việt Nam sau đó đã đề xuất một chiến dịch lớn nhằm làm sạch chất độc dacam dioxin ở thành phố Đà Nẵng. Tôi nghiên cứu đề xuất này và biết rằng, để thực hiện chương trình đó sẽ cần hàng trăm triệu USD hỗ trợ từ phía Mỹ. Và tôi quyết tâm đi vận động tiền… Đó thực sự là một chiến dịch lớn và chúng tôi đã làm được. Sau đó, tôi nói chuyện thêm với nhiều người Việt Nam. Họ cho tôi biết, tình trạng nhiễm độc tương tự cũng đang xảy ra ở khu vực sân bay Biên Hòa.

Tướng James Mattis lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ. Tôi nói chuyện với ông ấy về thực trạng nhiễm độc ở thành phố Biên Hòa, rằng chúng tôi cần có nguồn kinh phí từ ngân sách quốc phòng và các nguồn khác để có thể làm sạch khu vực này. Bộ trưởng James Mattis sau đó đã tới khu vực sân bay Biên Hòa xem xét thực trạng. Khi về Mỹ, ông ấy nói: “Chúng ta hãy làm thôi!”. Tôi sẽ tới Biên Hòa, và chúng tôi sẽ bắt tay vào việc tẩy độc da cam/dioxin tại đây.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ dùng Quỹ Nạn nhân chiến tranh Leahy để giúp trẻ em và những nạn nhân khác bị tổn thương vì hậu quả của chất độc da cam/dioxin, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ những người là nạn nhân của bom mìn. Vợ tôi và tôi đã tới thăm một số gia đình bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin, tận mắt chứng kiến tận mắt tình cảnh của họ. Và tôi tự cam kết với mình, ngày nào còn làm Thượng nghị sỹ, tôi còn tiếp tục cố gắng".

Nguồn: VTV.VN