Khai mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV

04:07 | 20/10/2020
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
 Khai mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV
Sáng nay (20/10), Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc 
 
Trước giờ khai mạc kỳ họp, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Sau đó tại phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ dành thời gian để mặc niệm đối với đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong đợt mưa lũ tại khu vực miền Trung vừa qua.
Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu; nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp; sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV bằng hệ thống điện tử.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. Ảnh: VGP
 
Vào 9h00 sáng 20/10, Quốc hội họp Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội bằng hình thức họp trực tuyến.
 
Phiên khai mạc được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi.
 
Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng
 
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày (không kể ngày nghỉ); kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến các điểm cầu tại Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/10 đến ngày 27/10/2020) và họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 02/11 đến ngày 17/11/2020). Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 17/11/2020.
 
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra ngay trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ nên bên cạnh việc tập trung thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, kinh tế xã hội, công tác giám sát, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng còn lại trong Chương trình công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
 
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 7 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm khoảng37% tổng thời gian của kỳ họp) để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 4 dự án luật khác.
 
Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
TRỰC TIẾP phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV - Ảnh 4.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo ngày 19/10. Ảnh: TTXVN.

 

Phát biểu tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ, ngoài xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020, phương hướng nhiệm vụ kế hoạch cho năm 2021, việc thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả của COVID-19, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016-2021, kế hoạch đầu tư công trung hạn...

Bên cạnh công tác lập pháp, Quốc hội cũng tiến hành chất vấn và các công tác nhân sự cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Kỳ họp này Quốc hội cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong tất cả các hoạt động từ đăng ký phát biểu, tranh luận, biểu quyết…

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc kỳ vọng với nhiều điểm mới trong hoạt động đóng góp vào hiệu quả hoạt động của Quốc hội, kỳ họp Quốc hội tới sẽ diễn ra thành công.

 

Nguồn: VTV.VN