30 năm thu hút FDI: Thành công vượt sóng ra biển khơi

13:21 | 02/09/2018
Sau 30 năm đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công nhất trong khu vực.
30 năm thu hút FDI: Thành công vượt sóng ra biển khơi

Có được kết quả này là cả quá trình từ xây dựng Luật Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đầu tiên ban hành tháng 12/1987, tiếp tới 3 lần sửa đổi luật này và thêm dấu ấn năm 2005 Ban hành Luật đầu tư chung, thay thế Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Đầu tư trong nước. 

Tuy nhiên, năm 2014, việc sửa đổi và ban hành Luật Đầu tư đã tạo một bước đột phá trong tư duy của Việt Nam bởi kể từ thời điểm đó doanh nghiệp và nhà đầu tư được làm những gì mà pháp luật không cấm. 

Những dấu ấn trên cũng cho thấy, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam luôn linh hoạt trong đón nhận dòng vốn đầu tư phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau hơn 30 năm “đón” vốn FDI, từ năm 1988 đến tháng 8/2018, 63 tỉnh, thành phố của cả nước thu hút 26.438 dự án FDI của 129 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 333,83 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 183,62 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. 

Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông…. 

Cùng với bổ sung vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp FDI còn góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, khu vực đầu tư nước ngoài đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, cũng như tạo ra nhiều việc làm trong các lĩnh vực của nền kinh tế…

Tính đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và từ 5-6 triệu lao động gián tiếp.

Bằng những nỗ lực không ngừng trong cải cách của Chính phủ, sự thân thiện cởi mở của người dân Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng rằng, với chính sách cởi mở của Việt Nam, trong thời gian tới, các doanh nghiệp đã đầu tư tiếp tục mở rộng đầu tư và phát huy hiệu quả, ngày càng phát triển. Những nhà đầu tư chưa có dự án đầu tư, nhanh chóng tìm cơ hội đầu tư, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mình, tham gia đóng góp phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Nguồn: TTXVN