Không thể để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hóa gian lận

12:47 | 16/11/2019
“Không thể để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hóa gian lận. Nếu không làm tốt công tác này sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Không thể để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hóa gian lận

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (bên phải)

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa có cuộc làm việc với các bộ, cơ quan liên quan về tình hình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và công tác phòng chống gian lận xuất xứ.

Hàng nhập từ nước ngoài về ghi sẵn “made in Vietnam”

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác ông Mai Tiến Dũng cho biết, cải cách thủ tục hành chính luôn được Thủ tướng quan tâm. Gần đây, vấn đề gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái, lợi dụng cấp C/O, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng nước ngoài dán mác Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nước đang diễn ra, việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tới uy tín của hàng hóa Việt Nam, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

“Việc cấp C/O phải bảo đảm thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng chúng ta cũng không để lợi dụng việc cấp C/O để gian lận thương mại, gian lận xuất xứ”, Bộ trưởng Dũng nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, không thể để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hóa gian lận. Nếu không làm tốt công tác này sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn.

Báo cáo được đưa ra tại cuộc họp cho biết, qua theo dõi tình hình xuất nhập khẩu trong những năm gần đây, một số mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ theo chiều hướng gia tăng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm, sắt, thép, dệt may, da giày…

Qua công tác kiểm tra, giám sát, quản lý khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và kiểm tra sau thông quan, cơ quan hải quan đã phát hiện: hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài, khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”.

Theo báo cáo, có trường hợp trên sản phẩm, bao bì, phiếu bảo hành đều ghi bằng tiếng Việt; thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một loại linh kiện, phụ tùng tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp; không ghi xuất xứ trên nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu sau đó trước khi lưu thông thì bổ sung nhãn phụ (Made in Vietnam).

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cung cấp số liệu xuất nhập khẩu của cơ quan hải quan chưa kịp thời, làm chậm quá trình đối chiếu, xem xét để cấp C/O cho doanh nghiệp; một số thị trường không yêu cầu cấp C/O nhập khẩu như: Hoa Kỳ, Canada, thị trường EU và một số nước phát triển nên việc phòng chống gian lận xuất xứ bằng cách tăng cường quản lý chặt chẽ khi cấp C/O là không hiệu quả.

Thậm chí, có hiện tượng nhiều thương nhân nước ngoài lợi dụng doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ vận chuyển quá cảnh; tạm nhập tái xuất để trung chuyển hàng hóa, sau đó thương nhân nước ngoài làm giả C/O Việt Nam để gian lận xuất xứ hàng hóa.

25 mặt hàng nguy cơ cao gian lận xuất xứ

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp VCCI, cơ quan này đã tiến hành phân loại và lập danh mục các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ để tăng cường kiểm tra chặt chẽ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết tỷ lệ C/O bị hải quan các nước yêu cầu xác minh xuất xứ trong tổng số C/O ưu đãi được cấp là rất nhỏ.

Kết quả xác minh cũng cho thấy, các lô hàng được cấp C/O Việt Nam đều đáp ứng các điều kiện được cấp C/O. Tuy vậy, có tình trạng doanh nghiệp làm giả C/O để gian lận xuất xứ.

Các mặt hàng chủ yếu là một số loại hạt, mặt hàng tấm gỗ ghép… Bộ Công Thương đã ngay lập tức có cảnh báo tới các cơ quan, tổ chức cấp C/O để đặc biệt lưu ý trong việc tăng cường kiểm tra hồ sơ và kiểm tra cơ sở sản xuất.

Thứ trưởng Khánh cho biết thêm, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ xây dựng, cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là cơ sở để các bộ ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ chi tiết tại Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. Cho đến nay, đã có 25 mặt hàng trong danh sách này.

Nguồn: Dân trí