Làn sóng đầu tư 'Việt Nam +1' của doanh nghiệp Nhật Bản

02:09 | 20/10/2020
Nhiều trang báo Nhật Bản dự đoán, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng trưởng theo hình chữ "V" sau chuyến thăm lần này của Thủ tướng Suga Yoshihide.
Làn sóng đầu tư 'Việt Nam +1' của doanh nghiệp Nhật Bản

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide

chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước

Chỉ hơn 1 tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã lựa chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của mình. Và Việt Nam cũng là nơi mà thủ tướng Suga lựa chọn để gửi đi thông điệp về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản. Điều đó cho thấy Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chính sách phát triển của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.

Kết thúc hội đàm sáng qua, về hợp tác hướng tới phục hồi từ đại dịch COVID-19, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc bắt đầu quy trình đi lại ngắn ngày (business trip) và tái khởi động đường bay quốc tế 2 chiều.

Về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Suga cho biết, sẽ hợp tác để sớm thực hiện việc xuất khẩu quả quýt unshu của Nhật Bản cho Việt Nam, đơn giản hóa cơ chế giám sát kiểm tra, mở cửa cho quả nhãn Việt Nam xuất khẩu cho Nhật Bản.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục thúc đẩy chính sách hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

"Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực, môi trường, chính sách để chung tay hợp tác cùng với các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư kinh doanh thành công ở Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh: "Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản và đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là một địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới".

Hai Thủ tướng cũng đã chứng kiến lễ trao 12 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực gồm kỹ thuật số, môi trường, năng lượng, cơ sở hạ tầng…

Nhật Bản hiện là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ hai (tính theo số lũy kế), đối tác du lịch lớn thứ ba và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Thực tế cho thấy, khi dịch COVID-19 bùng phát kể từ đầu năm đến nay, đã và đang xuất hiện xu hướng đầu tư thêm nhà máy mới của các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam. Hiện các chuyên gia gọi đây là sóng đầu tư "Việt Nam +1".

Làn sóng đầu tư “Việt Nam +1” của doanh nghiệp Nhật Bản - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam trong thời gian diễn ra dịch bệnh

có xu hướng tiếp tục mở rộng đầu tư 

Làn sóng đầu tư “Việt Nam +1” là gì?

Từ 1 nhà máy chuyên sản xuất linh kiện cho xe máy và oto… công ty Chubu Rika Việt Nam đã mở rộng thêm 4 nhà máy tại Việt Nam. Đặc biệt, 2 nhà máy được đầu tư và đi vào sản xuất cuối năm nay giúp năng lực sản xuất tăng gấp đôi.

"Sản phẩm làm ra tại nhà máy ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu cao về chất lượng trong khi chi phí sản xuất lại rất hợp lý. Đây là lý do chúng tôi tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam", ông Wakamatsu Hiroyuki - Giám đốc Công ty Chubu Rika Việt Nam cho biết.

Panasonic cũng công bố kế hoạch ngừng sản xuất máy giặt và tủ lạnh tại Thái Lan để di dời về Việt Nam. Theo đại diện Panasonic Việt Nam, đây là chiến lược tái phát triển sản xuất của công ty. Trong đó, Việt Nam được nhận định là địa điểm tiềm năng"Việt Nam có nhiều lợi thế về dây chuyền sản xuất, nhân công và thị trường, tôi tin rằng Việt Nam là thị trường vô cùng hứa hẹn thuận lợi cho cả nhập khẩu và xuất khẩu. Sản xuất tại Việt Nam và cung cấp cho các thị trường đơn lẻ sẽ thuận lợi hơn so với việc tiếp tục sản xuất tại Thái Lan về vấn đề giá", ông Marukawa Yoichi - Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam nhấn mạnh.

Theo Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (Jetro), trước đây, các công ty Nhật đến Việt Nam như là điểm mở rộng hoặc chi nhánh bên cạnh điểm sản xuất chính là Trung Quốc. Nhưng giờ đây quan điểm này đã thay đổi, "Việt Nam +1" trở thành chiến lược của các doanh nghiệp Nhật Bản.

"Việt Nam +1 có thể hiểu là doanh nghiệp mở rộng đầu tư, thêm cơ sở sản xuất tại Việt Nam hoặc doanh nghiệp có mặt ở Việt Nam mở thêm cơ sở ở các nước khác. ông Hirai Shinji - Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản tại TP.HCM nói.

Theo Jetro, có một điều đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam trong thời gian diễn ra dịch bệnh có xu hướng tiếp tục mở rộng đầu tư. Đặc biệt, sự quan tâm của cộng đồng các doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam khá rõ ràng. Ví dụ năm 2007, khoảng cách về điểm đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam là 40 điểm…nhưng năm ngoái, khoảng cách này giờ chỉ là 7 điểm.

Theo đánh giá của ông Hiroyuki Moribe, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Việt Nam tại Nhật Bản, chuyến công du của ông Suga lần này có thể kích hoạt một làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao của Nhật Bản vào Việt Nam, nhất là khi Chính phủ Nhật đang trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc về Nhật Bản hoặc sang Đông Nam Á. Dòng vốn FDI dự báo sẽ tăng mạnh không chỉ lĩnh vực sản xuất, mà còn mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ như bán lẻ.

Doanh nghiệp Việt làm gì để đón sóng "Việt Nam +1"?

Đang là nhà cung cấp F1 và F2 cho nhiều tập đoàn Nhật Bản như Honda, ASTI hay Kansai…thông tin về sự mở rộng hay chuyển dịch sản xuất của người Nhật đang được doanh nghiệp này đánh giá là cơ hội hấp dẫn.

"Để chuẩn bị cho làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Nhật Bản khi họ qua Việt Nam, doanh nghiệp chuẩn bị đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp hơn và đặc biệt là nâng cao năng suất sản xuất để có giá thành cạnh tranh hơn. Ngoài ra còn phải nâng mức tổng thể về sản lượng để đủ cung cấp cho doanh nghiệp Nhật khi họ cần sản lượng lớn", ông Trương Quốc Cường - Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai cho biết.

Tuy nhiên, hiện nay không nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể bước chân vào chuỗi sản xuất của Nhật. Điều này chứng minh qua tỷ lệ thu mua nội địa của doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam chỉ hơn 36% và khá thấp so với các nước khác như Trung Quốc - 69%, Indonesia - 46% hay Thái Lan - 61%...

Doanh nghiệp Việt Nam cần chứng minh được năng lực thông qua việc đầu tư hệ thống trang thiết bị, công nghệ sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng và quản trị hiệu quả… mới có thể hấp dẫn doanh nghiệp Nhật.

"Tôi hay gọi là "chemistry"- tức sức hấp dẫn của doanh nghiệp 2 nước phải đến từ sự hiểu biết chung về công nghệ, trình độ kỹ thuật, từ đó tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp muốn mở cơ sở sản xuất ở Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long, thì phải cân nhắc từ đó đến TP.HCM bao xa. Và đúng là trong nhóm 3 nước được Nhật Bản lựa chọn đầu tư nhiều là Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, Việt Nam có trở ngại lớn với vấn đề cơ sở hạ tầng", ông Hirai Shinji - Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản tại TP.HCM phân tích.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng để thực sự hưởng lợi, doanh nghiệp Việt phải tự nâng cấp mình. Khảo sát từ Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP.HCM cho thấy năng lực hiện nay chỉ hơn 50% đơn vị chỉ có thể sản xuất nhỏ lẻ theo từng đơn hàng. Điều này là khập khiễng với nhu cầu lớn về sản lượng của các công ty Nhật Bản.

Làn sóng đầu tư “Việt Nam +1” của doanh nghiệp Nhật Bản - Ảnh 6.

Nhiều trang báo Nhật Bản dự đoán, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng trưởng

theo hình chữ "V" sau chuyến thăm lần này của Thủ tướng Suga Yoshihide

Nhiều trang báo Nhật Bản dự đoán, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng trưởng theo hình chữ "V" sau chuyến thăm lần này của Thủ tướng Suga Yoshihide. Số lượng 2.000 doanh nghiệp Nhật hiện rót vốn FDI và khoảng 60 tỷ USD vốn cam kết hiện nay sẽ không dừng lại. Triển vọng là rất rộng mở. Hơn lúc nào hết doanh nghiệp Việt cần chứng minh có đủ năng lực để hấp thụ dòng vốn chất lượng cao này cùng 1 thị trường tiêu dùng đủ rộng.

 

Nguồn: VTV.VN