Người trẻ đưa hoa quả Việt đến gần người Nga

11:05 | 08/05/2021
Trên một đại lộ chính ở thủ đô Moscow của Liên bang Nga, có một cửa hàng chuyên bán hoa quả tươi Việt Nam và các sản phẩm trái cây trộn khác. Chủ cửa hàng, một người Việt Nam, năm nay mới chỉ 28 tuổi, sẵn sàng chia sẻ câu chuyện kinh doanh của mình.
Người trẻ đưa hoa quả Việt đến gần người Nga

Một góc cửa hàng hoa quả của Minh 

Mỗi công hàng là một bài học

Cuối tháng 3-2020, thủ đô Moscow phong tỏa chống dịch Covid-19. Nhiều người phải “nằm yên”. Dương Quang Minh, sinh năm 1993, cũng buộc dừng hết hoạt động mảng dịch vụ du lịch. Giữa tháng 4-2020, khi Moscow vẫn phong tỏa, Minh bất ngờ mở công ty xuất nhập khẩu, tập trung hoa quả Việt Nam.

Một trong những công (container) hàng đầu tiên trong năm 2020 mà công ty của Minh xuất sang Nga là bưởi, đúng thời điểm Nga khan hiếm mặt hàng này. Tiếp đà thuận lợi, từ tháng 5-2020 đến tháng 12-2020, công ty của Minh đã xuất sang Nga khoảng 600 tấn hàng hoa quả tươi, hoa quả đông đá, hoa quả khô, chủ yếu là bưởi, xoài, chanh leo, thanh long, nhãn, dừa. 

Nhớ lại thời điểm này năm ngoái, Minh vẫn cho là mình liều: “Covid-19 khiến nguồn cung hàng hóa đứt gãy, nhưng cũng là cơ hội để thử sức trong mảng thương mại. Khi mọi thứ co lại, mình chọn cách bung ra”.

Trái cây sau khi thu mua và đóng gói tại Việt Nam, được chuyển bằng đường biển đến cảng Vladivostok, miền đông nước Nga. Từ đây, Minh cho xe phân phối tại các tỉnh thành trên tuyến đường đến thủ đô Moscow ở phía tây. Thời gian để hàng từ Việt Nam nhập kho Moscow khoảng 30 đến 35 ngày. 

“Phía siêu thị Nga đưa ra những yêu cầu mà nhiều công ty ở Việt Nam khó đáp ứng. Họ không trả tiền trước, chỉ thanh toán sau khi nhận hàng. Coi như mình xuất hàng đi và cho nợ gần 50 ngày”, Minh nói. Vì thế, ngoài nguồn lực tài chính mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu phải chấp nhận rủi ro. Rủi ro cả về thời gian giao hàng lẫn chất lượng hàng hóa. Chỉ cần hai lần lỡ hẹn, có thể mất mối giao dịch.

“Dịch Covid-19 gây tình trạng thiếu container rỗng. Vụ tắc nghẽn ở kênh đào Suez vừa rồi cũng là một thí dụ điển hình khiến hàng hóa chậm trễ, vận chuyển chậm, giá thành lại tăng gấp ba lần”, Minh giải thích thêm về rủi ro.

Thêm một khó khăn chính, là những ngày mới làm, kinh nghiệm đóng gói và bảo quản chưa tốt, khiến hàng hóa đến nơi bị hỏng nhiều. Tháng 1-2021, Minh mất cả một công xoài vì giá lạnh ở Siberia khiến quả đóng băng. Buồn thì buồn, nhưng Minh khẳng định, không thể dừng lại. 

Dần dần Minh có thêm nhiều kinh nghiệm trong bảo quản và đóng gói, để hàng cập cảng còn tươi và đáp ứng yêu cầu phía Nga. Trước công chanh leo có thể hỏng 50%, nhưng giờ chỉ khoảng 15%. Đó là tỷ lệ chấp nhận được. Với Minh, mỗi công hàng là một bài học. Và việc học này vẫn còn dài phía trước.

Minh vẫn khẳng định là bản thân tương đối mạo hiểm, khi chọn thị trường Nga với một quãng đường vận chuyển khá xa. “Nhưng nếu đã có kỹ thuật đóng gói, bảo quản từ trước, thì cơ hội không đến lượt mình. Mình đã mạnh dạn làm, mạnh dạn thử nghiệm, mở đường, chấp nhận mạo hiểm”, Minh chia sẻ thêm.

Mô hình kinh doanh mới

Làm xuất nhập khẩu không có gì mới, nhưng đưa sản phẩm của mình, cụ thể là hoa quả tươi, vào chính cửa hàng của mình với menu hoàn toàn lạ lẫm, thì chưa nhiều người Việt Nam làm ở Moscow. 

“Khi lượng hàng mình xuất sang Nga đều đặn, nhìn vào mức tiêu thụ của người dân, có thể thấy họ rất chuộng hoa quả nhiệt đới của Việt Nam. Suy nghĩ hiện lên, tại sao không mở cửa hàng bán lẻ của chính mình, đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Giá hoàn toàn có thể cạnh tranh”, Minh đặt vấn đề. Từ ý tưởng đó, cửa hàng Chunk Chunk ra đời. 

Người trẻ đưa hoa quả Việt đến gần người Nga -0

Khu pha chế nước tại Chunk Chunk. 

Chunk Chunk ngoài bán hoa quả tươi từ Việt Nam, còn có những món ăn và thức uống từ hoa quả lạ mắt. Các món hoa quả trộn, hay nem hoa quả, với thành phần nhiều loại quả còn xa lạ với người Nga. Là độc đáo, song cửa hàng cũng mất thời gian để tạo thói quen tiêu dùng cho người Nga. 

Lúc đầu, Minh cũng chưa biết thị trường sẽ phản ứng như thế nào trước những sản phẩm của quán. Nhưng Nga đang chuộng thực phẩm hữu cơ, ăn sạch, ăn nhiều trái cây, rau củ, hạn chế đường, do đó, Minh khẳng định có cơ sở để tiếp tục đầu tư. 

Sau hai tháng, Chunk Chunk được đánh giá thang điểm cao nhất trên hệ thống Yandex của Nga. Người dùng phản hồi tương đối tốt, khi giá cả được cho là vừa túi tiền với dân văn phòng. Minh hy vọng, sắp tới có thể xây dựng một chuỗi bán hoa quả và nước trái cây tươi. 

Hiện tại, cửa hàng của Minh bày bán xoài, chôm chôm, mít, nhãn, thanh long, dừa... Minh đang tìm cách để đưa măng cụt, đu đủ, vải và các mặt hàng khô lên kệ. Đó cũng là cách làm giàu sự lựa chọn cho chính người Nga, vốn có thể đã quá quen với những lê, táo, nho... Ngoài trái cây, Minh còn muốn thử sức ở mảng hải sản Việt Nam. 

“Có một câu mà nhiều người hỏi, là sao lại chọn hàng hóa Việt Nam? Nếu nhìn vào các số liệu thống kê, Việt Nam là nhà sản xuất nông sản lớn của thế giới. Việt Nam rất giỏi chế biến, nhưng chưa giỏi quảng bá và bán hàng. Hàng hóa Việt Nam bị nước khác mua lại và tái xuất đi quốc gia khác, ngay cả sang các nước châu Á. Là người Việt Nam, mình muốn tạo cầu nối Việt - Nga, góp phần thúc đẩy thương mại hai nước”, Minh nhấn mạnh. 

Người trẻ đưa hoa quả Việt đến gần người Nga -0

Món ăn nhẹ từ hoa quả của Chunk Chunk. 

Thực tế, việc xuất khẩu các mặt hàng hoa quả Việt Nam sang Nga được thúc đẩy chậm hơn so với xuất sang các nước châu Âu. Có nhiều lý do. Minh đưa ra thí dụ: “Đất nước Israel đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu quả bơ. Quả bơ được nhà nước Israel bảo trợ để xuất sang các nước khác, trong đó có Nga. Việt Nam hiện chưa có nhiều chương trình như vậy”.

Do đó, Minh mong muốn phía Việt Nam tiếp tục có cơ chế riêng để thúc đẩy quảng bá các mặt hàng nông sản. Đó có thể là quỹ hỗ trợ xuất khẩu, hay bảo trợ mặt hàng... Thêm một lý do nữa, là chất lượng đầu vào nông sản của Việt Nam chưa đồng đều, gây khó cho các nhà xuất khẩu. 

Dù vậy, hàng nông sản, nhất là hoa quả Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh về giá cả, trong hoàn cảnh người tiêu dùng Nga chưa phải giàu. Lợi thế nữa là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực đã phá vỡ nhiều rào cản xuất nhập khẩu. Minh cho biết, hoa quả tươi từ Việt Nam chỉ phải chịu thuế giá trị gia tăng 10%.

Minh đang đi một con đường mới, và mong sẽ có nhiều người đồng hành, trong bối cảnh kim ngạch thương mại song phương Việt - Nga tiếp tục gia tăng, dù dịch Covid-19 gây hậu quả nặng nề. Việc chàng trai 28 tuổi này làm cũng có thể là gợi ý cho nhiều người Việt Nam ở Nga, vốn đang mắc kẹt trong các gian hàng vải ở chợ truyền thống. “Mọi thứ đã khác. Buôn bán ở chợ không còn như xưa. Chúng ta cần những điều mới mẻ, cần người mạnh dạn đi đầu, mở đường cho những người sau”, Minh chia sẻ. 

 

Nguồn: Nhân dân