Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư trên 22.700 tỷ đồng

11:54 | 03/01/2019
Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung thu hút đầu tư, dự tính huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 22.700 tỷ đồng để phát triển kinh tế.
Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư trên 22.700 tỷ đồng

Ngoài việc rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu, công trình, dự án trọng điểm, tỉnh Thừa Thiên-Huế xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ triển khai; đảm bảo phát triển các sản phẩm chủ lực như điện, bia, dệt may, chế biến cát, gỗ.

Tỉnh tập trung các công trình giao thông quan trọng, các công trình có quy mô lớn tại khu kinh tế, khu công nghiệp, dự án Laguna giai đoạn 2, dự án mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài, các dự án khu du dịch ven biển có thương hiệu từ Thuận An đến Lăng Cô, khu du lịch Chân Mây-Cảnh Dương-Bạch Mã; dự án giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế và các công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn.

Trong năm 2019, tỉnh Thừa Thiên-Huế đẩy mạnh chỉnh trang đô thị Huế, tập trung không gian văn hóa dọc tuyến đường Lê Lợi và không gian hai bên bờ sông Hương.

Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển khu đô thị mới An Vân Dương, hướng đến một đô thị kiểu mẫu, đô thị sinh thái, đô thị hiện đại, góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian đô thị Huế.

Đồng thời, tập trung đầu tư chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và phát triển đô thị Huế và vùng phụ cận, các quy hoạch phân khu.

Bên cạnh đó, tỉnh còn đầu tư phát triển đô thị Huế theo hướng đô thị thông minh, đô thị xanh; tiếp tục sắp xếp một số nút giao thông, chỉnh trang các tuyến phố trọng yếu, các công viên, điểm cây xanh.

Tỉnh hoàn thành giải tỏa chỉnh trang Thượng Thành, Eo bầu phía Nam; dự án chỉnh trang hai bên bờ sông Hương. Khởi công dự án Thành phố Xanh (Green City), các dự án trọng điểm đô thị mới An Vân Dương tại thành phố Huế.

Năm 2018, tỉnh Thừa Thiên-Huế đạt tổng vốn đầu tư toàn xã hội 20.050 tỷ đồng, đạt 100,25% kế hoạch, tăng 7,5% so với năm 2017; trong đó, vốn Trung ương quản lý 5.635 tỷ đồng, chiếm 28,1% tổng vốn đầu tư, đạt 98,4% so kế hoạch, tăng 8,8%; vốn địa phương quản lý 14.415 tỷ đồng, chiếm 71,9%, tăng 7,8%, đạt 101,% kế hoạch. 

Tỉnh đã tập trung triển khai sớm đưa vào sử dụng các dự án bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích Cố đô; dự án chỉnh trang đô thị nút giao ngã 6 Hùng Vương; đường ngoài hàng rào khu công nghiệp Tứ Hạ... 

Đáng chú ý, vốn đầu tư của doanh nghiệp tăng cao so cùng kỳ do nhiều dự án được đẩy nhanh tiến độ và đến nay đã đưa vào hoạt động: Tổ hợp Trung tâm Thương mại Vincom Hùng Vương và Khách sạn 5 sao Vinpearl Huế; đầu tư nhà máy may thứ 4 của Công ty Dệt may Huế; nhà máy may Hương Phú; nhà máy may Sơn Hà; dây chuyền thứ 2 của nhà máy sợi Phú Việt; nhà máy sản xuất gạch ốp lát granite của Công ty trách nhiệm hữu hạn Vitto Phú Lộc.

Ngoài ra, còn một số dự án giãn tiến độ trong thời gian dài đến nay đầu tư thi công trở lại như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế; dự án Goldland Plaza; trung tâm dịch vụ Sen Trắng.

Một số dự án tiếp tục đầu tư vào ngành công nghiệp, dịch vụ: các nhà máy thủy điện A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3; nhà máy điện mặt trời Phong Điền; dự án Manor Crown của Công ty cổ phần Bất động sản Minh Điền Vital; bến số 3 Cảng Chân Mây.

Nguồn: TTXVN