Triển vọng xuất khẩu trái cây Việt Nam đạt kim ngạch 10 tỷ USD

10:58 | 10/04/2018
Được đẩy mạnh xuất khẩu 3 năm trở lại đây, mặt hàng trái cây đã thể hiện vai trò lớn trong việc đóng góp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Triển vọng xuất khẩu trái cây Việt Nam đạt kim ngạch 10 tỷ USD

Điển hình nhất là thành tích xuất khẩu trong năm 2017 đạt 3,45 tỷ USD, bỏ xa ngành xuất khẩu gạo, dầu thô và càphê. Vì vậy, để giữ vững thế mạnh này, các doanh nghiệp ngành rau củ quả phải lập nhiều chiến lược tác chiến trên "sân khách” hơn nữa. 

Tranh thủ thị trường 

Theo Tổng Cục Hải quan Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2018, ngành rau củ quả Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 960 triệu USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 8,3% so với quý 4 năm 2017. 

Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định, đây là mức tăng kỷ lục của ngành rau củ quả Việt Nam. Tính đến thời điểm đầu tháng Tư, các loại rau củ quả của Việt Nam đã có mặt khắp 60 thị trường trên thế giới. 

Triển vọng thị trường nhập khẩu trái cây Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới, khi sản lượng trái cây đủ đáp ứng các đơn hàng như hiện nay. 

Việc mở rộng thị trường luôn là chiến lược của các doanh nghiệp xuất khẩu, thế nhưng, việc này không phải dễ dàng bởi các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường khó tính ngày càng cao. Do đó, ngoài việc nâng cao chất lượng, các doanh nghiệp phải tìm hiểu tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu, hoặc thiên tai có khả năng xảy ra để tranh thủ thị trường. 

Triển vọng đạt 10 tỷ USD 

Trước kết quả xuất khẩu trái cây Việt Nam trong năm ngoái rất khả quan và kết quả xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2018, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, triển vọng kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt 10 tỷ USD sẽ không còn xa. Bởi, theo chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, diện tích chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây ăn trái ngày càng lớn. 

Hiện nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ... đã xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái với diện tích và sản lượng lớn. 

Hơn nữa, thông qua khảo sát các vườn cây ăn trái tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết nông dân sản xuất cây ăn trái đều đã nhận thức phải sản xuất sạch, vì nhu cầu của thị trường, thay cho phương thức sản xuất theo kinh nghiệm của nông dân. 

 

Vải thu hoạch được lựa chọn, xử lý vệ sinh, kỹ thuật bảo quản trước khi đóng thùng xốp để chuyển đi tiêu thụ ở huyện Lục Ngạn. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)


Cùng với sự nỗ lực của nông dân, doanh nghiệp cũng từng bước đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Bà Đinh Kim Nhung, Giám đốc Công ty Kim Nhung Đồng Tháp chia sẻ, ngoài thị trường Trung Quốc, công ty cũng xuất khẩu trái xoài sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Tuy nhiên, những thị trường "khó tính" này đòi hỏi quy trình kỹ thuật cao hơn. Do đó, doanh nghiệp phải đầu tư nhà máy xử lý, chiếu xạ trước khi đưa trái xoài xuất khẩu. 

“Nếu không chấp nhận đầu tư nhà máy, công ty sẽ bỏ lỡ một thị trường lớn,” bà Nhung nói thêm. 

Đến với vựa trái cây Ba Tương, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, phóng viên được ông Nguyễn Bá Tường, chủ vựa trái cây Ba Tương chia sẻ, hiện vẫn còn rất nhiều thị trường tiềm năng sử dụng trái cây Việt Nam ngoài Trung Quốc như thị trường các nước Trung Đông... 

Họ sẵn sàng trả giá cao để nhập khẩu trái cây Việt Nam như ổi, thanh long, vú sữa, nhãn... vì vị ngọt thanh, cỡ trái phù hợp… Ước tính, mỗi ngày thị trường Trung Đông nhập khẩu khoảng 15 tấn ổi Việt Nam. Ngoài ra, họ còn nhập khẩu thêm nhãn và vú sữa. 

Với đà xuất khẩu và đầu ra khả quan như hiện nay sẽ là động lực lớn để người sản xuất mạnh dạn đầu tư và hướng tới sản xuất sạch, phát triển ngành trái cây bền vững trong tương lai.

Nguồn: VTV4.VTV.VN