Việt Nam nỗ lực phát triển kinh tế xanh

02:57 | 21/01/2021
Phát triển kinh tế xanh là một trong những định hướng quan trọng về bảo về môi trường theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII
Việt Nam nỗ lực phát triển kinh tế xanh

Mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang xuất hiện ở nhiều địa phương. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong 5 năm qua, với những nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, sự quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Không chỉ kiểm soát các nguồn xả thải, đảm bảo các dự án lớn hoạt động an toàn, đóng góp cho tăng trưởng của đất nước, mà các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang xuất hiện ở nhiều địa phương.

Trồng cây xanh trên các bãi thải sau khi khai thác than là 1 trong số hàng loạt các giải pháp được triển khai ở vùng than Quảng Ninh trong nhiều năm qua nhằm hoàn nguyên và cải tạo môi trường, theo định hướng phát triển kinh tế xanh, khai thác nhưng giảm thiểu tới mức thấp nhất tới môi trường.

Sau hơn 5 năm gieo trồng, những cây keo sinh trưởng rất tốt trên các khu vực sau khi hoàn nguyên của bãi thải Chính Bắc, Núi Béo. Việc trồng cây xanh trên các bãi sau khai thác than đang tạo ra môi trường tốt, đồng thời góp phần tích cực phòng chống sạt lở.

Tham gia các chương trình phục hồi môi trường, cũng như triển khai các giải pháp tái sử dụng, tái chế chất thải, phát triển kinh tế xanh, nhiều cơ sở sản xuất được hỗ trợ vay ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường của trung ương và địa phương với lãi suất chỉ bằng 1/3 lãi suất ngân hàng thương mại.

Hơn 5 năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng nhiều địa phương xây dựng hàng loạt các mô hình kinh tế xanh. Ngoài hệ thống xử lý tái chế chất thải rắn ngay tại nguồn, KCN sinh thái Nam Cầu Kiền, Hải Phòng đã đầu tư xử lý nước thải tuần hoàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, không phát sinh chất thải ra môi trường.

Mới đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ và phát triển kinh tế môi trường, trong đó có kinh tế tuần hoàn, cùng với đó là nhiều cơ chế chính sách để khuyến khích các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp. Đây sẽ tiếp tục là định hướng phát triển các ngành kinh tế của nước ta trong thời gian tới.

"Các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã tạo ra một nền tảng hết sức quan trọng để chúng ta chuyển đổi mô hình kinh tế đi theo chiều sâu và chất lượng. Không thể không phát triển, nhưng phát triển phải tính đến các bài toán về môi trường. Nó khác trước ở chỗ là kinh tế - xã hội - môi trường hài hòa với nhau. Trong bài toán về kinh tế phải tính đến môi trường và trong các chi phí đầu tư cho phát triển cho sản xuất phải tính đến chi phí cho môi trường ngay từ đầu", ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới như quan trắc tự động trong kiểm soát xả thải, các công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên nhằm thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, phát triển bền vững đất nước.

 

Nguồn: VTV.VN