Đoàn cựu giáo viên kiều bào tại Thái Lan thăm Khu Di tích lịch sử Đền Gióng

15:32 | 10/02/2018
Sáng ngày 9/2, Đoàn cựu giáo viên kiều bào tại Thái Lan đã đi tham quan Khu Di tích Lịch sử Đền Gióng, nơi tưởng niệm vị anh hùng vô danh sinh ra từ làng Gióng đã trở thành bất tử trong lòng dân tộc.
Đoàn cựu giáo viên kiều bào tại Thái Lan thăm Khu Di tích lịch sử Đền Gióng

Là người Việt Nam chắc ai cũng biết đến Gióng, cậu bé sau ba năm đã vụt lớn để trở thành người anh hùng vung gậy sắt, nhổ từng khóm tre đánh giặc. Tương truyền rằng, đền Phù Đổng được dựng trên nền nhà cũ của Thánh Gióng, Di tích lịch sử đền Phù Đổng bao gồm 8 điểm di tích gồm: Đền Thượng (đền Phù Đổng Thiên Vương), Đền Hạ, Miếu Ban, Đình Hạ mã, Cố viên, Giá ngự…

Quần thể đền Thượng thờ Thánh Gióng gồm nhiều công trình kiến trúc được bố trí hài hòa, đăng đối trong không gian khép kín, đậm chất nghệ thuật kiến trúc của dân tộc như: thủy đình, cổng ngũ môn (năm cửa), phương đình, tiền đường, trung đường, hậu cung, tả hữu mạc, nhà giám, nhà ba gian, nhà khách, nhà hiệu.

Đền Hạ (nơi thờ mẹ của Thánh Gióng) nằm ở bên ngoài đê, gần nơi được cho là có dấu chân mà bà đã ướm thử để rồi mang thai và sinh ra Thánh Gióng. Trước đây, đền thờ Thánh Mẫu được thờ chung ở đền Thượng. Tuy nhiên, đến năm 1683, đền thờ Thánh Mẫu được tách ra thờ riêng trên đất làng Ngô Xá (quê của bà – tức làng Đổng Viên). Vào năm 1693, dân làng mới di dời về vị trí hiện nay.

Ngoài giá trị to lớn về nghệ thuật kiến trúc, đền Phù Đổng còn có một hệ thống các di vật, cổ vật vô cùng phong phú mang giá trị nghệ thuật cao gắn liền với các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Nhân dịp 1000 năm Thăng Long, Hội đền Gióng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Lắng nghe câu chuyện lịch sử từ hướng dẫn viên, các kiều bào càng thêm tự hào về đất nước Việt Nam khi đã sinh ra một vị anh hùng dân tộc và khẳng định dù đi khắp bốn phương, nhưng cội nguồn dân tộc, cội nguồn đất nước mãi mãi trong tim kiều bào, không gì lay chuyển.

Bà Lê Thị Ngọc Hà ( 66 tuổi) xúc động bày tỏ: “Đến với Khu di tích, chúng tôi không khỏi thán phục trước những di sản lịch sử của đất nước, đối với những kiều bào ít có cơ hội được về thăm quê hương, thực sự đây là những hoạt động có ý nghĩa sâu sắc giúp những người con sống xa Tổ quốc hiểu thêm về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, ghi sâu công lao trời biển của các vị anh hùng thời xưa đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”.

Sau khi dâng hương tại Đền Thượng (đền Phù Đổng Thiên Vương), là ngôi đền chính trong khu di tích. Đoàn đại biểu kiều bào đã đến dâng hương tại Tượng Thánh Gióng đúc bằng đồng, nặng 100 tấn được đặt trên đỉnh núi Đá Chồng - đỉnh cao nhất của khu du lịch tâm linh Đền Sóc.

Có thể nói, chuyến đi tham quan khu di tích lịch sử Đền Gióng đã mang lại nhiều cảm xúc sâu sắc đối với mỗi kiều bào. Thông qua hoạt động này, kiều bào được ôn lại lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam, qua đó tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa kiều bào với quê hương, đất nước.

Nguồn: VTV4.VTV.VN