Dấu ấn Phật giáo trong văn hóa Việt Nam

14:23 | 10/05/2018
Từ khi được du nhập vào Việt Nam (gần 2.000 năm trước), Phật giáo đã nhanh chóng hòa mình với văn hóa bản địa. Quá trình đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc, Phật giáo đã in dấu ấn sâu sắc trong nền văn hóa Việt Nam.
Dấu ấn Phật giáo trong văn hóa Việt Nam

Nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam

Quá trình du nhập và phát triển của đạo Phật ở Việt Nam đã làm xuất hiện một nền văn hóa có đặc điểm riêng, không giống với Phật giáo ở Ấn độ hay bất kỳ nơi nào khác.

Thứ nhất, Phật giáo Việt Nam có sự kết hợp giữa các tông phái vốn đã tồn tại từ trước khi du nhập vào Việt Nam. Phật giáo truyền vào Việt Nam gồm cả hai dòng Nam tông và Bắc tông (thường được gọi là Tiểu thừa và Đại thừa). Điều này khác xa với Phật giáo ở các quốc gia trong khu vực, khi ở những nước đó thường chỉ có mặt nổi trội của một trong hai hệ phái hoặc Tiểu thừa, hoặc Đại thừa.

Thứ hai, Phật giáo Việt Nam có sự dung hợp với các tôn giáo khác, đặc biệt sự dung hợp giữa Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo đã đến mức “tam giáo đồng nguyên”. 

 

Chùa Tây Phương, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội - Ngôi chùa mang giá trị nghệ thuật điêu khác độc đáo với nhiều pho tượng Phật có giá trị 

Thứ ba, sự hòa quyện giữa Phật giáo với tín ngưỡng bản địa của người Việt đã làm nảy sinh dòng Phật giáo dân gian hết sức độc đáo.

Thứ tư, Phật giáo Việt Nam chú trọng đến giác ngộ bằng con đường cứu nhân độ thế. Phật giáo Việt Nam mang trong mình tinh thần yêu nước, thương dân sâu sắc. Với tinh thần này, nhiều nhà sư Việt Nam đã đến với cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử và tạo nên một trong những đặc trưng cơ bản nhất của Phật giáo Việt Nam là xu hướng nhập thế.

Dấu ấn của Phật giáo trong văn hóa Việt Nam

Khi đến với Việt Nam, Phật giáo đã tìm đến với văn hóa dân gian để kết thành duyên nợ. Tìm đến với văn hóa dân gian, kết hợp với tín ngưỡng dân gian là Phật giáo đã tìm đến với nguồn cội của văn hóa dân tộc, tìm đến với sức sống và bản sắc của văn hóa Việt Nam.

Ở Luy Lâu (Trung tâm Phật giáo cổ nhất ở Việt Nam) có bốn ngôi chùa cổ có tên là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (tức Mây, Mưa, Sấm, Chớp). Bốn ngôi chùa này đồng thời thờ bốn vị nữ thần là Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Đàn, Bà Tướng. Rõ ràng đó là các nữ thần nông nghiệp. Như vậy, ngay trong bước du nhập đầu tiên, Phật giáo đã được những người nông dân trồng lúa Việt Nam dung hòa với các tín ngưỡng cổ truyền của họ.

Trong lĩnh vực đạo đức, Phật giáo có vai trò rất to lớn trong việc xây dựng đạo đức, lối sống của người dân Việt Nam. Phật giáo không chỉ tạo ra tư tưởng khoan hòa nhân ái trong chính sách an dân trị quốc của các vương triều Lý, Trần thời văn hóa Đại Việt mà nó còn góp phần rất quan trọng trong việc định hình lối sống, phong tục, chuẩn mực giá trị văn hóa Việt Nam.

Trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, Phật giáo đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Những ngôi chùa thờ Phật ở trên khắp đất nước Việt Nam là nơi hội tụ đầy đủ giá trị lịch sử và văn hóa nghệ thuật.

 

Đông đảo tăng ni, Phật tử đến dâng hoa mừng Đại lễ Phật đản tại Cố đô Huế năm 2017 


Về phong tục tập quán, Phật giáo đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt và có ảnh hưởng sâu rộng đối với phong tục tập quán Việt Nam. Vì thế, Phật giáo cũng góp phần củng cố, gìn giữ và phát huy những những phong tục tập quán cổ truyền của người Việt Nam. Phật giáo cũng là khởi nguồn cho vô số lễ hội của Việt Nam, như: lễ hội Chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Phật Đản - Huế…

Chùa Phật giáo ở Việt Nam không còn là chùa thuần Phật như trên quê hương đã sinh ra nó mà là một phức thể tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt. Vì thế, chùa không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là thờ Mẫu, thờ Thần, thờ tổ tiên và thờ các anh hùng dân tộc. Có thể thấy, Phật giáo đã và đang góp phần rất lớn vào việc củng cố, duy trì phong tục thờ thần của dân tộc Việt Nam.

Về giáo dục, Phật giáo đã góp phần giáo dục, đào tạo ra những con người Việt Nam có phẩm chất tốt; sống trong sạch, lương thiện, biết thương yêu đồng loại, cứu giúp người hoạn nạn, khó khăn… nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng một xã hội hòa bình, dân chủ, bác ái và văn minh.

Về ứng xử, cách thức giao tiếp, người Việt Nam rất coi trọng chữ hiếu và sự hòa thuận. Điều này phù hợp với quan niệm của giáo lý Phật giáo. Nhiều quan niệm của Phật giáo đã được Việt hóa, trở thành những giá trị văn hóa của dân tộc như: lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ… Phật giáo đề cao sự hài hòa trong quan hệ giữa con người với tự nhiên. Vì thế, con người phải dựa vào tự nhiên để sống nhưng cũng phải biết bảo vệ tự nhiên, chung sống hài hòa với tự nhiên để đảm bảo cho cuộc sống hài hòa, cân bằng và bền vững. Những quan điểm này đã nhanh chóng được người Việt chấp nhận và trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong phong cách ứng xử với tự nhiên của người Việt từ ngàn đời nay.

Như vậy, sau khi vào Việt Nam, Phật giáo đã nhanh chóng đồng hành cùng dân tộc, hòa mình với văn hóa bản địa, từ đó làm phong phú, sâu sắc thêm nền văn hóa của người Việt. Không chỉ có vậy, chính nền văn hóa của người Việt cũng làm cho Phật giáo có sự thay đổi để thích nghi với văn hóa truyền thống dân tộc. Từ đó, tạo nên nét đặc trưng riêng của Phật giáo ở Việt Nam, không giống với Phật giáo ở các nước trong khu vực và ngay cả trên quê hương đã sản sinh ra chính tôn giáo đó.

Nguồn: VTV4.VTV.VN