Về xứ Nghệ dự lễ Xăng Khan

16:06 | 07/06/2018
Với đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây xứ Nghệ, lễ Xăng Khan có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Lễ hội là dịp để người dân khắp bản làng trả ơn thầy mo đã chữa khỏi bệnh cho gia đình..
Về xứ Nghệ dự lễ Xăng Khan

Theo các bậc cao niên ở các bản làng đồng bào Thái ở miền Tây Nghệ An thì lễ hội Xăng Khan (còn được gọi là Kin chiêng boóc mạy) đã có từ xa xưa. Thuở đó, “mặt đất còn như lá đa, bầu trời như nắp con ốc, rừng núi như dấu chân con gà”, Xăng Khan đã được các thầy mo tổ chức. Vì mỗi ông mo được học mỗi thầy khác nhau, mỗi bản, mỗi vùng có điều kiện kinh tế, sinh hoạt khác nhau nên cách thức tổ chức lễ hội Xăng Khan ở mỗi nơi cũng có sự khác biệt.
 

 Khi hành lễ, ông mo dẫn đầu, tiếp theo là những phụ nữ đi sau

Lễ Xăng Khan có rất nhiều nghi thức, nghi lễ như: Lễ “Pay toọc tang” (đi kiếm cây cọ tang), lễ đón “mo khu”, “mo bạn” (mo thầy, mo bạn), lễ “xạc húa” (gội đầu), lễ “khạy đản” (lễ mở màn), lễ “xơ ký yên” (cúng cầu yên)… Trước đây, lễ Xăng Khan thường diễn ra từ 2 đến 3 ngày. Nay chỉ được tổ chức gọn trong một ngày một đêm. Và vật không thể thiếu trong lễ hội là cây Boọc mạy (cây hoa) được dựng ngay giữa nhà, là nơi để hành lễ.

Khi hành lễ, ông mo dẫn đầu, tiếp theo là những phụ nữ đi sau. Mỗi ông mo có một phụ nữ cầm ô theo sau cất điệu hát và múa bên cây Boọc mạy. Thời điểm quan trọng nhất của lễ Xăng Khan là lúc ông mo với những lời cầu khấn cho bản làng yên vui, ao nhiều cá, ruộng nhiều lúa, nhà nhà giàu có, mọi người đều khỏe mạnh, con cái thành đạt, ai cũng ăn nên làm ra…

Trong lễ Xăng Khan còn có rất nhiều trò diễn, trò vui. Cứ sau mỗi nghi lễ lại có một trò diễn minh họa cho nội dung của nghi lễ đó, mô phỏng lại các hành vi của các thần linh. Hết nghi lễ, trò diễn này lại đến nghi lễ, trò diễn khác, cứ như thế cho đến lúc tan hội. Ngoài các trò diễn, trong lễ hội Xăng Khan còn có nhiều hình thức nghệ thuật trình diễn dân gian như múa, hát nhuôn, hát xuối, khắc luống, đánh cồng chiêng, gõ boong bu, thổi khèn…

 Sau Lễ hội, đồng bào và du khách cùng tham gia sinh hoạt văn nghệ trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng

Kết thúc nghi lễ, chủ nhà là người trực tiếp hái hoa đem tặng cho mọi người, mỗi bông hoa là một phần thưởng tượng trưng cho bổng lộc và sự may mắn trong cuộc sống. Bằng lời hát chia tay thắm thiết hẹn kỳ hội sau gặp lại và lúc này trời cũng vừa sáng, mọi người trở về tiếp tục với công việc hàng ngày của mình.

Ba năm mới tổ chức một lần, nhưng lễ Xăng Khan đã làm cho mọi người cảm thấy vui hơn, từ lễ hội này mối quan hệ xóm bản càng thêm bền chặt, đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh của đồng bào, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày 11/9/2017, 
Lễ hội Xăng Khan của người Thái tỉnh Nghệ An đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

 

Nguồn: VTV4.VTV.VN