Chủ động phòng chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp

10:39 | 31/03/2020
Điều gì đã giúp Bình Dương và Đồng Nai - hai địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất nhì cả nước tới nay vẫn chưa có một ca nào dương tính với COVID-19.
Chủ động phòng chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp

Đồng Nai và Bình Dương là hai địa phương có tới vài chục khu công nghiệp với hàng triệu lao động. Hiện các doanh nghiệp vẫn hoạt động để đảm bảo sản xuất và thúc đẩy kinh tế. Chính vì vậy, việc đảm bảo sức khỏe cho người lao động, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh được đặt ra rất nghiêm ngặt, đặc biệt kiểm soát trước khi người lao động bước vào xưởng sản xuất.

Các doanh nghiệp phòng chống dịch COVID-19 cho công nhân

Mỗi sáng, tại nhà máy sản xuất giày của tập đoàn TBS (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), từng hàng người nối dài để đo thân nhiệt và nhân viên bảo vệ kiêm luôn nhiệm vụ phục vụ nước rửa tay. Phía trong một xưởng sản xuất, toàn bộ công nhân đều đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc.

Liên đoàn lao động huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai còn đứng ra đi tìm và kết nối các công ty cần khẩu trang, cũng với quyết tâm giúp 130.000 công nhân tại huyện này phải có đủ khẩu trang dùng trong mùa dịch. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương và Đồng Nai cũng đề xuất cho lao động người nước ngoài tới từ vùng có dịch được nghỉ việc để theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đang thiếu lao động tuy nhiên, họ vẫn không dám nhận thêm người bởi lo ngại lây nhiễm chéo từ nơi khác về. Như vậy, họ chấp nhận sản xuất khó khăn một thời gian, còn hơn nhỡ chẳng may có 1 người mắc bệnh thì nguy cơ cả dây chuyền dừng lại sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Trong quá trình tác nghiệp, nhóm phóng viên đã được nhiều công nhân chia sẻ rằng, nếu họ thấy một người đi từ vùng dịch mà vẫn tới công ty làm việc, không cách ly, họ sẽ chủ động ngưng làm việc để đảm bảo an toàn. Điều đó cũng cho thấy ý thức phòng chống dịch bệnh của công nhân rất cao.

Tại các địa phương có nhiều chuyên gia, nhân viên đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng là những vùng có dịch, giải pháp giám sát cộng đồng đã được áp dụng triệt để. Cách ly ngay trong nơi họ tạm trú hoặc tại doanh nghiệp, vừa có thể làm việc, vừa đảm bảo không bị lọt bệnh vào công ty nếu chẳng may có người dương tính với SARS-CoV-2. Những phương pháp này được thực hiện chặt ngay từ sau Tết Nguyên đán đến nay.

Địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh giám sát cộng đồng

Đến nay, huyện Long Thành (Đồng Nai) đã thành lập 3 đội chống dịch cơ động và đang tập trung triển khai công tác giám sát cộng đồng đối với các trường hợp phải cách ly theo quy định. Tại huyện Nhơn Trạch, 1 tuần nay, các đội chống dịch cơ động của huyện cũng luôn trong tư thế "trực chiến".

Tỉnh Đồng Nai tới nay đã thực hiện giám sát ngoài cộng đồng, cách ly tại nhà, nơi lưu trú khoảng 3.000 người đi từ các vùng có dịch, trong đó rất nhiều là các chuyên gia đang làm việc tại các nhà máy. Tỉnh này cũng muốn họ sớm trở lại làm việc để đóng góp cho ngành công nghiệp địa phương nhưng phải trong tình trạng khỏe mạnh nhất.

Hiện Đồng Nai còn 198 người đang cách ly tập trung. Còn tại Bình Dương có hơn 3.400 người đã hết cách ly 14 ngày. 19 người nghi ngờ mắc COVID-19, đã có 18 người âm tính. Hiện tỉnh còn 970 công nhân lao động đang được cách ly tại nơi cư trú ở trong công ty, xí nghiệp và tại nhà. Cả hai địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất nhì cả nước tới nay vẫn chưa có một ca nào dương tính xuất phát tại địa phương.

Sở dĩ có được kết quả này, theo chia sẻ của ngành y tế địa phương là do đã nâng mức độ phòng dịch cho trong mỗi tình huống cao hơn 1 bậc so với quy định chung của ngành y tế. Ví dụ như, ở vụ việc một chuyên gia người Brazil ở TP.HCM nhưng có đi tới và tiếp xúc với một doanh nghiệp ở Đồng Nai. Khi phát hiện người này bị mắc COVID-19, ngay lập tức, tỉnh Đồng Nai đã áp dụng biện pháp khoanh vùng dịch ở mức rất nghiêm ngặt.

Nguồn: VTV news