Đua thuyền tứ linh - nét độc đáo Lý Sơn

07:40 | 18/01/2020
Lễ hội đua thuyền tứ linh đầu xuân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tồn tại và duy trì hơn 300 năm qua. Đây là nét văn hóa truyền thống dân gian, mang đậm bản sắc của cư dân biển đảo Lý Sơn.
Đua thuyền tứ linh - nét độc đáo Lý Sơn

Lễ hội đua thuyền tứ linh mừng đón mùa xuân mới ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Từ cảng biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi), di chuyển bằng tàu cao tốc chừng một tiếng là đến Ðảo Lớn, Lý Sơn. Nhìn từ xa, hòn đảo tiền tiêu hiện lên nên thơ như một bức tranh sơn dầu nhiều mầu sắc. Những năm gần đây, nơi này trở thành điểm đến có sức mời gọi đối với du khách gần xa. Không chỉ bởi Lý Sơn sở hữu cảnh sắc hữu tình mà còn vì nơi đây luôn ẩn chứa nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, trong đó không thể không nói đến lễ hội đua thuyền tứ linh.

Ðến Lý Sơn những ngày cận Tết, dễ dàng nhận ra không khí rộn ràng khác biệt hiện diện khắp nơi trên "đảo tỏi". Ở sân đình các xã An Vĩnh, An Hải, người dân quây quần trang trí, sơn phết để hoàn thiện những công đoạn cuối cùng chuẩn bị sẵn sàng cho ngày thuyền đua được hạ thủy. Dưới nắng gió đượm vị mặn mòi của biển, sắc mầu của những chiếc thuyền tứ linh càng lung linh, rực rỡ hơn. Tất cả đều háo hức chờ đón lễ hội đua thuyền bắt đầu từ ngày mồng bốn Tết. Hàng trăm năm nay, hoạt động này đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây. Ngay cả các bậc cao niên ở huyện đảo cũng không biết rõ hội đua thuyền tứ linh chính xác xuất hiện khi nào. Chỉ biết từ khi họ sinh ra, dân Lý Sơn đã quan niệm chưa thấy hội đua thuyền là chưa thấy Tết. Thế nên những người con của "đảo tỏi" đi làm ăn xa về đón Tết ở Lý Sơn luôn cố nán lại cho đến khi xong hội đua thuyền mới lên đường.

Với người dân Lý Sơn, lễ hội đua thuyền tứ linh không chỉ là hoạt động khai xuân truyền thống mang tính cộng đồng mà còn là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng độc đáo, tưởng nhớ và gửi gắm sự tri ân, lòng biết ơn của cư dân vùng biển đối với các bậc tiền nhân và đội hùng binh Hoàng Sa khi xưa đã vượt biển đo đạc thủy trình, cắm mốc, bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa biển cũng như nông nghiệp được bội thu.

Hằng năm, từ ngày mồng bốn đến mồng tám Tết, người dân huyện đảo và nhiều du khách từ đất liền lại tìm đến Lý Sơn để xem hội đua thuyền. Mỗi hội thường có tám thuyền đua. Mỗi thuyền đua là của một xóm trong xã và được lựa chọn trang trí theo hình ảnh "tứ linh" (long - ly - quy - phụng). Các thuyền này thường được đặt ở các lăng, miếu để thờ cúng.

Trước khi tham gia đua, tối hôm trước hoặc sáng sớm hôm sau, mỗi đội thuyền đều tổ chức cúng tế thần linh theo những nghi thức riêng.

Người Lý Sơn cho rằng, thuyền nào về nhất thì năm đó xóm làng sẽ bình yên, mùa màng bội thu cho nên trai tráng xóm nào cũng ra sức tranh tài. Người được tuyển vào đội đua phải được lựa chọn kỹ càng để bảo đảm có cả sức khỏe và sự khéo léo. Thuyền đua được đóng theo dáng thon, nhẹ sao cho có thể lướt nhanh trên sóng nước. Trước đây, mỗi thuyền chỉ đóng cho 14 trai làng ngồi đua, nhưng gần đây, do nhu cầu được tham gia thuyền đua, mỗi thuyền thường có tới 24 chàng trai tham dự. Ðội nào cũng có đồng phục riêng với khăn đỏ chít trên đầu. Mỗi lần diễn ra hội đua, không khí sôi nổi, náo nhiệt khắp một vùng biển với tiếng reo hò cổ vũ và hình ảnh những tay chèo ra sức tăng tốc để sớm về cán đích. Ðây không phải hội đua thuyền duy nhất nhưng có lẽ là trường đua thuyền lớn nhất và quy củ nhất của nước ta.

Lễ hội đua thuyền Lý Sơn không chỉ hấp dẫn bởi sự kịch tính, khí thế thi đua giữa các đội thuyền mà còn thu hút bởi những trang trí tinh xảo của mỗi thuyền đua, nhất là phần đầu và đuôi tứ linh của thuyền. Người dân nơi đây cho rằng, thuyền trang trí càng đẹp càng mang lại may mắn, hứng khởi cho đội đua nên người được giao vẽ và trang trí thuyền đua phải là các nghệ nhân có tay nghề cao để có thể thổi hồn vào linh vật...

Nguồn: Nhân dân