Khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018

13:02 | 01/12/2018
Cách đây 13 năm, UNESCO đã trao cho Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018

Tối 30/11, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng 2018. Festival năm nay diễn ra từ 30/11 đến 2/12, quy tụ hơn 1.000 nghệ nhân cồng chiêng của 25 đoàn đến từ các tỉnh Tây Nguyên. Festival văn hóa cồng chiêng 2018 không chỉ là dịp giao lưu văn hóa cồng chiêng mà còn là dịp để quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại và đầu tư vào Gia Lai và Tây Nguyên.

Khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 - ảnh 1Toàn cảnh đêm khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Ảnh  Nhandan

Cách đây 13 năm, UNESCO đã trao cho Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Festival lần này là một trong những hoạt động để tôn vinh các giá trị độc đáo và sức sống mạnh mẽ, trường tồn của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng cũng chính là gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên truyền thống: “Đảng, Nhà nước gửi gắm sứ mệnh giữ gìn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên. Bảo tồn hệ sinh thái và phát huy các giá trị của văn hóa Tây nguyên truyền thống chính là giữ gìn môi trường sinh tồn của văn hóa cồng chiêng trong không gian đậm chất sử thi, giàu sắc thái huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên. Không ai làm việc này tốt hơn chính đồng bào của mình ở đây, những chủ thể đích thực của những di sản độc đáo.”

Khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 - ảnh 2

Thủ tướng phát biểu tại lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 . -Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Tây Nguyên phải là một biểu tượng phát triển du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản châu Á trong thế kỷ 21.

Tại Festival văn hóa cồng chiêng 2018, các nghệ nhân sẽ tái hiện văn hóa dân tộc mình như đan lát, dệt thổ cẩm, hát dân ca, diễn xướng sử thi, tạc tượng, lễ hội đường phố. Các địa phương Tây Nguyên sẽ giới thiệu các sản vật và văn hóa ẩm thực tại các gian hàng.

Nguồn: VOV