Bão số 8 liên tục tăng cấp khi hướng vào miền Bắc và miền Trung

11:40 | 21/10/2020
Khi đi vào gần khu vực quần đảo Hoàng Sa thì bão có thể đạt cường độ mạnh nhất là cấp 11 cấp 12. Đây là cấp gió rất nguy hiểm đối với tàu thuyền hoạt động trên biển.
Bão số 8 liên tục tăng cấp khi hướng vào miền Bắc và miền Trung

Đến chiều 21-10, hàng vạn ngôi nhà ở Lệ Thủy vẫn chìm trong nước lũ.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 8 di chuyển theo hướng Tây Tây bắc đang tiến vào đất liên các tỉnh miền Bắc và miền Trung nước ta, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 8 mạnh cấp 11-12 và giật cấp 14.

Trước những diễn biến nguy hiểm của bão số 8, phóng viên đã phỏng vấn ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia về nội dung này.

PV: Xin ông cho biết hướng di chuyển của bão số 8 đang tiến vào đất liên các tỉnh miền Bắc và miền Trung nước ta hiện như thế nào và sự nguy hiểm của cơn bão này ra sao?

Ông Trần Quang Năng: Sáng nay, cơn bão có tên quốc tế là Saudel đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 8 hoạt động trên Biển Đông trong năm nay. Hiện tại, chúng tôi xác định cơn bão ở khoảng cuối cấp 8 cấp 9 và trong 24 đến 48 giờ tới hướng di chuyển chủ yếu của bão là hướng Tây Tây Bắc, tốc độ di chuyển không quá nhanh khoảng 5 - 10 km/1 giờ và có khả năng mạnh lên.

Chúng tôi dự báo, khi đi vào gần khu vực quần đảo Hoàng Sa thì bão có thể đạt cường độ mạnh nhất là cấp 11 cấp 12. Đây là cấp gió rất nguy hiểm đối với tàu thuyền hoạt động trên biển, đặc biệt là khu vực Bắc Biển Đông cũng như khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Và sau khi vượt qua quần đảo Hoàng Sa thì chúng tôi nhận định do có điều kiện không thuận lợi như không khí lạnh và nhiệt độ bề mặt nước biển bão bắt đầu có khả năng suy yếu

PV: Với những cơn bão dồn dập trong thời gian ngắn vừa qua đối với các tỉnh miền Trung thì nguy cơ kéo theo những loại hình thiên tai nguy hiểm như thế nào thưa ông?

Ông Trần Quang Năng: Thứ nhất, gió mạnh kèm dông lốc trên các vùng biển là rất nguy hiểm đối với tàu thuyền và đây là cơn bão chúng tôi nhận định khi vào quần đảo Hoàng Sa thì có thể đạt cấp mạnh nhất cấp 11 cấp 12, tức là cấp gió rất mạnh. Hoàn lưu bão kết hợp với gió mùa Đông Bắc sẽ gây ra một khu vực rộng về gió cấp 6 trở lên, rất nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động.

Tiếp đến chúng tôi có lưu ý đến khả năng mưa sau khi bão chuyển hướng vào đất liền trong khoảng 3-4 ngày tới ở các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, hiện nay với những nhận định có thể các kịch bản thay đổi khác nhau thì tình hình mưa lớn chúng tôi sẽ cập nhật chi tiết trong các bản tin tiếp theo.

PV: Ông có thể lý giải vì đâu mà khu vực miền Trung lại mưa triền miên dẫn đến lũ lịch sử?

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Ông Trần Quang Năng: Năm nay do ảnh hưởng của La Nina và do tác động của biến đổi khí hậu làm cho hiện tượng thời tiết thiên tai cực đoan ngày càng khốc liệt hơn và miền Trung nước ta vừa trải qua tác động của nhiều tổ hợp hình thái thiên tai nguy hiểm. Đó là dải hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh,... Trên dải hội tụ nhiệt đới xuất hiện các cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới liên tục di chuyển vào đất liền các tỉnh Trung Bộ. Do đó đã gây ra một đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 6/10 và đến ngày 21 thì quá trình đó bắt đầu chấm dứt.

PV: Trước tình hình đó cộng với cơn bão số 8 đang tiến vào đất liền nước ta thì ông khuyến cáo các địa phương cần phòng tránh thiên tai như thế nào để giảm thiểu thiệt hại?

Ông Trần Quang Năng: Trước tiên đối với cơn bão số 8 này thì các địa phương, đặc biệt là các địa phương có biển cần đặc biệt chú ý là khi bão vào quần đảo Hoàng Sa có khả năng mạnh cấp 11 cấp 12. Chúng tôi cảnh báo độ gió mạnh kết hợp với gió mùa Đông Bắc sẽ gây nguy hiểm đặc biệt đối với các tàu thuyền hoạt động quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Các địa phương miền Trung cần lưu ý xây dựng, rà soát các nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất ở các vùng núi phía Tây do hiện nay khu vực này vừa trải qua thời tiết mưa kéo dài, đất đã bão hòa và vẫn còn ngập úng. Chúng ta cũng phải kiểm soát các khu vực có khả năng xảy ra ngập úng sâu rộng, nhất là khu vực vùng trũng, vùng đồng bằng.

Cuối cùng người dân cần phải lưu ý các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn liên tục được các cơ quan dự báo từ Trung ương đến địa phương cập nhật, đồng thời chấp hành, hướng dẫn của các cấp chính quyền địa phương khi thiên tai xảy ra để có thể có các biện pháp chủ động kịp thời phòng tránh.

PV: Xin cám ơn ông!

Nguồn: VOV