Đề nghị công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới

02:55 | 25/08/2019
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đang làm hồ sơ đề nghị Khu di tích Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi) được công nhận là Di sản thế giới.
Đề nghị công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới

Tại Hội thảo Lịch sử 70 năm chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (1945 – 2015), ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, đây là gợi ý của ông Phạm Sanh Châu, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ trong cuộc gặp với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh trước khi lên đường nhận nhiệm vụ. Ông Phạm Sanh Châu là nhà ngoại giao có nhiều năm kinh nghiệm, từng là ứng viên cho vị trí Tổng Giám đốc UNESCO năm 2017. 

Đề nghị công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới - 1

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân  thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết

thành phố đang làm hồ sơ đề nghị địa đạo Củ Chi được công nhận là Di sản thế giới

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong đã giao Sở Ngoại vụ xin ý kiến Bộ Ngoại giao. Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã làm việc với Bộ Tư lệnh thành phố, Quân khu 7 để bàn về vấn đề quốc phòng– an ninh liên quan đến địa đạo này và nhận được ý kiến là không có vấn đề gì. Vì thế, thành phố Hồ Chí Minh đang giao Sở Văn hóa – Thể thao làm thủ tục đề nghị công nhận Địa đạo Củ Chi là di sản thế giới. Theo ông Nguyễn Thành Phong, nếu như được công nhận là di sản thế giới thì thành phố mới có thể kêu gọi đầu tư, xây dựng hệ thống để thu hút khách du lịch.

Nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km về hướng Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Với tầm vóc chiến công của mình, Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Đây là một kỳ quan độc đáo có một không hai với khoảng 250km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm. Năm 2016, Địa đạo Củ Chi được công nhân là di tích quốc gia đặc biệt.

Nguồn: Dân trí