Nhìn lại quá trình xây dựng thủ đô Hà Nội sau 65 năm giải phóng

07:19 | 10/10/2019
Vào mỗi dịp tháng 10 lịch sử, Hà Nội lại ngập tràn cảm xúc của những ngày tháng hào hùng chào đón đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô (ngày 10-10-1954). Từ mốc son ấy, trải qua 65 năm phát triển không ngừng, Hà Nội đã có một diện mạo mới.
Nhìn lại quá trình xây dựng thủ đô Hà Nội sau 65 năm giải phóng

65 năm qua là quá trình Thủ đô Hà Nội cùng cả nước thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của từng thời kỳ cách mạng: Đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; Khôi phục đất nước sau chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước; Thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước; Xây dựng, chăm lo, phát triển con người, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, ấm no và hạnh phúc.

 

Năm 2019, kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô đồng thời là dịp nhìn lại hơn 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Một là, kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững. Nếu giai đoạn 2008-2017 đạt tăng trưởng bình quân 7,41%/năm, thì năm 2018 GRDP đã tăng 7,61% với quy mô 920.270 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội đã đạt hơn 117 triệu đồng, tương đương 5.134 USD/người/năm. Từ năm 2018, Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (với hơn 7,5 tỷ USD năm 2018 và 6,23 tỷ USD trong 9 tháng năm 2019).

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật với phát triển nhà ở, với 43 dự án nhà ở xã hội với trên 4 triệu m2 sàn đã được hoàn thành và đang thực hiện. Diện tích nhà bình quân năm 2018 đạt 25,86 m2/đầu người. Diện tích cây xanh đạt 7,94 m2/người. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Hạ tầng đô thị, cây xanh, cảnh quan, môi trường, trật tự văn minh đô thị có nhiều đổi mới, tiến bộ.

Liên hoan múa rồng Hà Nội 2019.

Ba là, đặc biệt quan tâm phát triển khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn. Đến năm 2019, Hà Nội có 6/18 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 325/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 84,2%). Tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thông trong giai đoạn 2008-2018 đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng. Thu nhập người dân nông thôn đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, gấp 4,5 lần so với năm 2008.

Bốn là, chú trọng đầu tư, giữ vững chất lượng giáo dục và đào tạo, với 100% giáo viên đứng lớp có trình độ đạt chuẩn quy định; 100% quận, huyện đạt chuẩn phổ cập mầm non 5 tuổi; phổ cập trung học cơ sở đạt 99,36%; phổ cập trung học phổ thông đạt 90%. Giai đoạn 2008-2018, thành phố xây mới 434 trường, có thêm 943 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 66,2%. Hà Nội là đơn vị đầu tiên triển khai tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, hệ thống sổ điểm, sổ liên lạc điện tử tại các trường học.

Giờ học tin học của học sinh trường tiểu học, khu đô thị Sài Đồng, Hà Nội.

Năm là, phát triển đồng bộ hệ thống y tế với 100% phường, xã có trạm y tế; 100% trạm xá có bác sĩ công tác tại trạm. Các hình thức chăm sóc sức khoẻ nhân dân được đa dạng hoá, bước đầu hình thành cơ sở y tế tuyến chuyên sâu, kỹ thuật cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế. Đến cuối năm 2018, Hà Nội đạt tỷ lệ 26,5 giường bệnh/10 nghìn dân, về đích sớm hai năm với mục tiêu đề ra (năm 2020).

Sáu là, công tác phòng ngừa, khắc phục tình trạng ô nhiễm, khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái, công tác dự báo, chủ động phòng tránh thiên tai được tăng cường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, một số trường đại học, kho tàng, bến xe ra khỏi trung tâm thành phố.

Bảy là, thể thao tiếp tục có bước phát triển ấn tượng. Các vận động viên của Hà Nội luôn đóng vai trò nòng cốt trong các đoàn thể thao Việt Nam (chiếm khoảng 30%) tham dự các sân chơi khu vực và quốc tế, đạt nhiều thành tích xuất sắc. Tỷ lệ dân số thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao tăng từ 27,5% năm 2010 lên 43% năm 2018.

Trang thiết bị y tế hiện đại tại bệnh viện tim Hà Nội.

Tám là, chính sách an sinh xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa được đặc biệt quan tâm. Số người được giải quyết việc làm trung bình hằng năm đạt khoảng 140 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 3,18% năm 2009 xuống còn 2,41% năm 2018. 100% gia đình người có công với cách mạng đều có mức sống trên trung bình. Chất lượng cuộc sống của nhân dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện và từng bước nâng cao.

Chín là, chú trọng phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nguồn lực chi thường xuyên của thành phố trong lĩnh vực văn hoá – xã hội giai đoạn 2015-2019 đạt hơn 107 nghìn tỷ đồng, trong đó kinh phí chi cho văn hoá đạt gần 4.300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hà Nội duy trì nhiều phong trào thi đua đạt hiệu quả thiết thực, như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Người tốt, việc tốt”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Những thành tựu đạt được đã đem lại hiệu quả tích cực, không chỉ hướng đến giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp, xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại mà còn góp phần xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hoá đối với nhân dân Thủ đô, cốt cách tâm hồn người Hà Nội thanh lịch, văn minh, để mãi xứng đáng là “Trái tim của cả nước”.

Nguồn: Nhân dân