'Hà Nội say mê chen đón Cha về, kín trời phơi phới vàng sao'

04:32 | 06/10/2024
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành thắng lợi sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Hiệp định Geneva được ký kết ngày 21/7/1954 đồng nghĩa với việc thực dân Pháp phải rút hết quân khỏi Đông Dương.
'Hà Nội say mê chen đón Cha về, kín trời phơi phới vàng sao'

Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn còn nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày. Đề phòng âm mưu của thực dân Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người dân di cư vào Nam, Đảng ta đã khẩn trương chuẩn bị cho việc tiếp quản Hà Nội.

title1-1-.png

Ngày 17/9/1954, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập để tiếp thu và quản lý thành phố. Ngày 30/9/1954, ta và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự. Ngày 02/10/1954, ta và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính.

Theo đó, nguyên tắc chuyển giao là đảm bảo trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động của đời sống thành phố. Các đơn vị bộ đội tiền trạm đã tiếp quản một số nơi ở Hà Nội theo nguyên tắc quân Pháp rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó. Đến 16 giờ, ngày 9/10/1954, những lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên.

Thời điểm đó, Đại tá Dương Niết, sinh năm 1934, nguyên Hiệu phó Trường Trung cao Không quân (nay là Học viện Phòng không-Không quân) là chiến sỹ Tiểu đoàn Bình Ca thuộc Trung đoàn Thủ đô, Sư đoàn 308, Tổ trưởng Tổ tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt.

Ngày 7/10/1954, Đại tá Dương Niết nằm trong số 214 cán bộ, chiến sỹ được lựa chọn vào thành phố đợt đầu.

Xe vào đến Hà Nội thì về thẳng trụ sở Ban Liên hiệp đình chiến, đóng ở Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương quân đội 108). Tại đây, đoàn được chia làm 35 tổ, mỗi tổ từ 3-5 người di chuyển về 35 vị trí có quân Pháp đóng. Đây là những vị trí quan trọng do Pháp đã chiếm giữ ngay từ khi chúng đặt chân đến Hà Nội như: Phủ toàn quyền, Tòa thị chính, Tòa án tối cao, Sở Cảnh sát Bắc Việt, nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy đèn Bờ Hồ, ga Hàng Cỏ, Nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai…

Đại tá Dương Niết cho hay nhiệm vụ của các chiến sỹ tiền trạm chính là hạn chế sự phá hoại hạ tầng cơ sở của Pháp ở nội đô; không để chúng cưỡng bức dân di cư vào Nam; chuẩn bị mọi mặt để đón đại đoàn vào tiếp quản Thủ đô và giữ gìn an ninh trật tự trong thành phố.

“Pháp vừa thất bại ở Điện Biên Phủ nên vẫn còn cay cú, âm mưu phá hoại Hà Nội tan tành trước khi chính quyền cách mạng tiếp quản. Chúng tôi vào trước là để làm nhiệm vụ chống sự phá hoại đó,” Đại tá Dương Niết giải thích.

nguyenvankhang.jpg

Ông Nguyễn Văn Khang và bà Đặng Thị Mỹ ôn lại kỷ niệm ngày tiếp quản Thủ đô.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Khang, sinh năm 1935, Trưởng Ban liên lạc Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô cho hay nhiều thanh niên trí thức từ chiến khu được tuyển chọn để về Hà Nội trước, chuẩn bị cho công tác tiếp quản.

Từ ngày 3-6/10/1954, họ làm nhiệm vụ tiền trạm, tiếp xúc với nhân dân Hà Nội trước khi Đại đoàn quân tiến về tiếp quản.

“Chúng tôi đã tháo dỡ những khẩu hiệu phản động, lôi kéo của địch, giải thích các chính sách của Chính phủ ta. Hàng ngày, chúng tôi đi gặp gỡ từng người dân, gõ cửa từng hộ gia đình, trong đó có công chức, người làm cho Pháp và cả các nhà tư sản, tiểu thương. Có người thắc mắc liệu họ có được tiếp tục buôn bán không, lương có bị thay đổi không, có bị bắt bớ không… Chúng tôi trả lời rằng Chính phủ sẽ duy trì cuộc sống như trước đây. Mọi người vẫn yên ổn làm ăn, buôn bán. Sự giải thích kiên trì của chúng tôi đã làm yên lòng những người đang sống ở Hà Nội lúc đó,” ông Khang kể.

vna_potal_ky_niem_66_nam_ngay_giai_phong_thu_do_10101954_-_10102020_ha_noi_ngay_tro_ve_-_thu_do_buoc_sang_trang_su_moi_075610273_5050394-1-.jpg

Cổng chào được dựng ở khắp nơi để chào mừng bộ đội về giải phóng Thủ đô.

Theo ông Khang, để hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn đó, việc tiếp xúc ban đầu với người dân Thủ đô đòi hỏi phải được giao cho lực lượng thanh niên trí thức. Họ là những học sinh ưu tú, được tuyển chọn từ các trường trung học kháng chiến ở vùng tự do, Khu Học xá Trung ương...

Nhờ biết tiếng Pháp nên bà Lê Thị Túy (sinh năm 1936) được lựa chọn về cùng bộ đội để tiếp quản các cơ sở của Pháp.

Trong sự vui mừng và tự hào, bà Túy cùng các bạn của mình đã đến từng nhà giải thích về sự kiện tiếp quản và vận động bà con làm cổng chào đón bộ đội về Thủ đô.

lethituy.jpg

Bà Lê Thị Túy trong cuộc trò chuyện với phóng viên. 

“Mọi người hưởng ứng nhiệt tình, tận dụng các vật liệu sẵn có để dựng cổng chào. Phố Hàng Đào thì có cổng chào kết từ vải lụa nhiều màu. Phố Hàng Nón có cổng chào ghép từ các loại nón, mũ, cờ, quạt sơn xanh, sơn đỏ. Bà con còn bí mật ra tận ngoại thành đem về những bó lá dừa, lá móc… để trang trí thêm cho thật đẹp, tạo nên những hình ảnh rực rỡ của các khu phố trong những ngày đón bộ đội,” bà Túy xúc động kể.

Một thành viên khác của Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô, bà Đặng Thị Mỹ, sinh năm 1936, thì có nhiệm vụ vận động thanh thiếu niên học hát múa, dọn dẹp vệ sinh đường phố chuẩn bị đón Đại đoàn quân.

“Chúng tôi đã đến từng nhà vận động người dân chuẩn bị cờ hoa, khẩu hiệu, tập đàn, tập hát chuẩn bị đón bộ đội về tiếp quản. Không có nguồn kinh phí nào cả, tất cả là huy động từ dân, do dân, đặc biệt là các gia đình buôn bán, kinh doanh có điều kiện ủng hộ vật liệu, vải vóc,” bà Mỹ kể.

Đêm 9/10/1954, Thủ đô đã sạch bóng quân thù, mọi người thức trắng để làm cổng chào, treo cờ, căng khẩu hiệu. Thành phố im lìm, cửa đóng then cài những ngày địch tạm chiếm đang chuẩn bị thức giấc, đón chào một ngày mới: “Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần/ Như mùa Xuân xuống cành dường nghe gió về/ Hà Nội bừng Tiến quân ca.”

title2-1-.png

Sáng sớm ngày 10/10/1954, loa phát thanh thông báo: “Đồng bào chú ý, sáng nay có bộ đội vào tiếp quản thành phố.”

Đại đoàn quân của ta gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... đã từ ngoại thành mở cuộc hành quân lịch sử vào Thủ đô Hà Nội. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng.”

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tiến Hà, thành viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cùng đơn vị đóng quân sẵn ở Thanh Trì. Ông thao thức cả đêm 9/10, chờ đến thời điểm hành quân vào Hà Nội.

Trước mắt ông Nguyễn Tiến Hà là cờ, hoa rực rỡ, hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng.

Người dân xúng xính trong những bộ quần áo đẹp nhất, mang theo cờ, hoa, biểu ngữ đã được chuẩn bị sẵn đứng chật hai bên đường đón các đoàn quân tiến vào từ các cửa ô. Tất cả cùng hô vang các khẩu hiệu: “Hồ Chủ tịch muôn năm,” “Hoan hô bộ đội về tiếp quản Thủ đô.”

“Đồng bào chạy ra ôm chầm lấy những người chiến sỹ giải phóng, tất cả hòa vào niềm vui chung,” ông Hà rưng rưng nhớ lại.

Còn ông Dương Tự Minh thì bồi hồi: “Trong đời tôi có hai ngày ‘vui như điên’ là ngày Hà Nội được giải phóng 10/10/1954 và ngày thống nhất đất nước 30/4/1975.”

Nhớ lại ngày mùa Thu lịch sử, ông Minh cùng các bạn đứng dọc đường Hàng Đào, Hàng Ngang hò hét khản giọng.

“Bấy giờ tôi không còn sợ bị địch bắt vì trốn lệnh truy nã, lại sắp được đoàn tụ gia đình, đón các anh chị đi kháng chiến trở về. Khu vực Bờ Hồ lúc đó đông nghẹt người, ai cũng cười nói đầy hạnh phúc - niềm hạnh phúc đã mong chờ suốt bao nhiêu năm dài,” ông Minh xúc động.

Đúng 15h, còi trên nóc Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Hàng trăm nghìn người dân Thủ đô dự Lễ chào cờ long trọng ở sân Cột cờ Hà Nội.

Còn ông Dương Tự Minh thì bồi hồi: “Trong đời tôi có hai ngày ‘vui như điên’ là ngày Hà Nội được giải phóng 10/10/1954 và ngày thống nhất đất nước 30/4/1975.”

Nhớ lại ngày mùa Thu lịch sử, ông Minh cùng các bạn đứng dọc đường Hàng Đào, Hàng Ngang hò hét khản giọng.

“Bấy giờ tôi không còn sợ bị địch bắt vì trốn lệnh truy nã, lại sắp được đoàn tụ gia đình, đón các anh chị đi kháng chiến trở về. Khu vực Bờ Hồ lúc đó đông nghẹt người, ai cũng cười nói đầy hạnh phúc - niềm hạnh phúc đã mong chờ suốt bao nhiêu năm dài,” ông Minh xúc động.

Đúng 15h, còi trên nóc Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài. Hàng trăm nghìn người dân Thủ đô dự Lễ chào cờ long trọng ở sân Cột cờ Hà Nội.

vna_potal_67_nam_ngay_giai_phong_thu_do_10101954_-_10102021_ha_noi_-_ngay_ve_chien_thang_5706417.jpg

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính đọc diễn văn khai mạc trong ngày Ủy ban Quân chính ra mắt nhân dân Thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội (10/1954).

Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt Ủy ban Quân chính, đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Hà Nội: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm, nhất trí góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn. tươi vui, phồn thịnh.”

Đại tá Dương Niết nhận định rằng sự kiện lịch sử giải phóng Thủ đô đã mang đến nhiều bài học quý, đó là bài học về xác định rõ vai trò của Thủ đô trong triến trình kháng chiến; bài học về chuẩn bị tốt mọi mặt đợi thời cơ đến, thực hành tiếp quản thắng lợi, hoàn thành sự nghiệp giải phóng Thủ đô.

quote_1.png

“Trở về Thủ đô, chúng tôi cảm nhận rất rõ khát khao hòa bình, tự do của người dân được vỡ òa trong niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến. Đã 70 năm trôi qua, cứ đến dịp kỷ niệm 10/10, tôi như được sống lại năm tháng hào hùng đó. Tôi mong rằng âm hưởng của bản hùng ca Hà Nội chiến đấu và chiến thắng vẫn luôn vang vọng tới mọi thế hệ, nhất là những thế hệ trẻ để họ tiếp nối truyền thống đầy tự hào của cha ông, xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp, hiện đại,” Đại tá Dương Niết bày tỏ.

Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới.

Từ một thành phố “đất rung, ngói tan, gạch nát” trong chiến tranh, giờ đây, Hà Nội đã chuyển mình vươn lên mạnh mẽ để xứng đáng là “trái tim” của cả nước.

Lời bài hát “Người Hà Nội” của nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi như vẫn văng vẳng đâu đây: “Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu/ Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi/ Một ngày thu non sông chiến khu về, đường vang tiếng hát cuốn lòng người/ "Đoàn quân Việt Nam đi".

Nguồn: TTXVN