Sau 70 năm, Hà Nội đã vươn mình trở thành một đô thị hiện đại
Trục đường Đại lộ Thăng Long nối trung tâm thành phố với các huyện phía Tây Hà Nội.
Từ "cái đêm bước qua gầm cầu" đến ngày "vui sao nước mắt lại trào" Hà Nội đã đi qua bao thăng trầm của lịch sử, đã từng hứng chịu hàng chục ngàn tấn bom mưu toan đưa cả thành phố trở về thời kỳ đồ đá.
Nhưng Hà Nội vẫn hiên ngang, kiêu hãnh, từng bước cất cánh để trở thành một đô thị hiện đại, không những là trung tâm văn hóa, chính trị mà còn là động lực kinh tế của vùng đông bằng sông Hồng cũng như cả nước.
Trong những ngày tháng 10 lịch sử này, hãy cùng ngắm nhìn thành phố xinh đẹp từ trên cao, để thấy được những hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh cao cả đến nhường nào. Một nền hòa bình vĩnh viễn chỉ được xây nên nhờ khát vọng độc lập và ý chí tự do.
Trục đường Vành đai 2 trên cao dọc sông Tô Lịch xanh mát bóng cây.
Tuyến đường Vành đai 3 trên cao đi qua bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai).
Tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông đi qua nút giao 4 tầng Nguyễn Trãi - Vành đai 3.
Đường Phạm Văn Đồng dài 5,2km, thuộc tuyến đường Vành đai 3, là trục giao thông huyết mạch nối huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc vào khu trung tâm thành phố.
Hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến là một trong 6 dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày 5/10/2022.
Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng, nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên, dài 5,8 km, tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng, khánh thành giai đoạn 1 cuối tháng 9/2010.
Hầm chui Trung Hòa đoạn nối đường Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long được thông xe năm 2016, là một trong những nút giao thông đa tầng hiện đại bậc nhất Thủ đô, được phủ một màu xanh tươi mát.
Nút giao thông Cầu Giấy với tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội.
Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống, nằm trên Quốc lộ 5 kéo dài, nối xã Đông Hội, huyện Đông Anh và phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Cầu rộng 55 m, dài 1.240 m, được xây dựng theo kiểu vòm ống thép, khánh thành ngày 9/10/2014.
Cầu Nhật Tân là một trong những biểu tượng mới của Thủ đô
Nút giao thông Ngã Tư Sở.
Trục đường hướng tâm Nguyễn Trãi cùng với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông.
Đoạn đường Vành đai 2 bắt đầu từ nút giao Bưởi - Hoàng Quốc Viêt, chạy uốn lượn dọc bờ sông Tô Lịch.
Đường Phạm Văn Đồng và cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long hiện là một trong những tuyến giao thông đẹp, hiện đại nhất của thủ đô Hà Nội.
Quốc lộ 5 đoạn trên địa bàn huyện Gia Lâm - tuyến đường huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh, thành phố khu vực Đông Bắc được đưa vào khai thác từ năm 1998.
Nút giao thông Pháp Vân-Cầu Giẽ-cửa ngõ phía Nam của Thủ đô.
Đường Vành đai 3, đoạn Phạm Văn Đồng nối với cầu Thăng Long.
Đường Võ Chí Công nối cầu Nhật Tân với trung tâm thành phố Hà Nội.
Đường Vành đai 2 trên cao đoạn qua nút giao Ngã Tư Vọng khánh thành ngày 11/1/2023.
Cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất trong 7 cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng, bắt đầu từ điểm cắt Quốc lộ 1A tại Pháp Vân (Thanh Trì), điểm cuối cắt Quốc lộ 5 tại Sài Đồng (Long Biên), khánh thành ngày 9/10/2010.
Nút giao thông cửa ngõ phía Nam Thủ đô - một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, giúp cải thiện đáng kể mạng lưới giao thông.
Đường Láng-Hòa Lạc là tuyến cao tốc trọng điểm nằm trong quy hoạch chung chuỗi đô thị Xuân Mai-Miếu Môn-Hòa Lạc-Sơn Tây và dài nhất nước (gần 29 km), đi từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến -Trần Duy Hưng, qua các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất, đến ngã tư nối với Quốc lộ 21A. Công trình được khánh thành ngày 3/10/2010 và từ giữa tháng 7/2010 được đổi tên thành Đại lộ Thăng Long.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường đê Âu Cơ-Nghi Tàm, đoạn từ lối vào khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân, dài 3,7km, được khánh thành ngày 4/10 sau hơn 4 năm thi công, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Các tin bài khác