Tư tưởng Hồ Chí Minh về 'trồng cây' và 'trồng người'
Bác Hồ từng nói: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Cùng với việc phát động phong trào trồng cây trên toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt chú trọng đến chiến lược "trồng người", đó là rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ cách mạng, dìu dắt thế hệ trẻ.
Trồng nhiều cây "thì con đường từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản càng thêm xanh tươi". Bác Hồ đã viết nhiều bài tâm huyết để kêu gọi trồng cây, gây rừng. Năm 1959, Bác đã chính thức khởi xướng và lan tỏa mạnh mẽ phong trào Tết trồng cây. Suốt những chặng đường qua, nơi nơi trên mọi miền Bắc Trung Nam, người dân Việt Nam đều hưởng ứng mạnh mẽ.
Khắc ghi lời Bác, tại Trường Đại học Lâm Nghiệp, lớp lớp giảng viên và sinh viên đã tích cực chung tay xây dựng không gian xanh, trở thành vườn thực vật và rừng cảnh quan đẹp nhất Thủ đô. Trường hiện đang thực hiện mục tiêu trồng 15.000 cây xanh mỗi năm và cam kết tham gia vào chương trình quốc gia trồng 1 tỷ cây xanh, góp phần duy trì vị trí hàng đầu của Việt Nam về tỷ lệ che phủ rừng.
Sinh viên Nguyễn Thị Mai chia sẻ: "Là một sinh viên của trường Đại học Lâm nghiệp, em cũng hiểu rõ được rằng trồng cây không chỉ là một công việc nông lâm đơn thuần, mà có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cũng như là nâng cao nhận thức của toàn dân trong sự nghiệp trồng rừng, bảo vệ rừng".
PGS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam, nhấn mạnh: "Bác luôn quan tâm tới cây xanh, môi trường, tới giá trị tài nguyên thực vật đối với mỗi người dân Việt Nam, và một điều rất chân kính đối với ngành lâm nghiệp của chúng tôi đó là phát triển trồng cây cho các thế hệ đời sau".
''Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội" Ngay từ những ngày phôi thai của sự nghiệp Cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng bồi dưỡng đào tạo thế hệ trẻ. Để rồi sau này, lớp thanh niên yêu nước đó đã trở thành đội ngũ cán bộ cốt cán, góp sức làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tháng Tám năm 1945. Những lớp cán bộ và thế hệ trẻ được Đảng và Bác đào tạo lại tiếp tục làm nên thắng lợi vang dội trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc.
TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhấn mạnh: "Có trồng cây mới có quả để ăn, ai cũng biết. Nhưng việc trồng người còn quan trọng bằng 10 lần trồng cây. Bác tin tưởng vào thế hệ trẻ như vậy, mong muốn vào thế hệ trẻ như vậy là bởi chiến lược trồng người của Bác, trong lúc khó khăn nhất, Bác cũng quan tâm đến trồng người"".
Trước khi qua đời 55 năm trước, trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Đoàn viên và thanh niên cần phải hăng hái, xung phong, không ngại khó khăn và cần được giáo dục đạo đức cách mạng để trở thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên."
Kế thừa và phát huy những lời dạy của Bác, thế hệ thanh niên ngày nay luôn chủ động, sáng tạo, và đổi mới không ngừng trên mọi mặt trận của đời sống, với mong muốn trở thành những công dân có ích, góp phần vào sự phát triển của xã hội.
Các tin bài khác