Cách ứng xử với vụ mùa của người Xơ Đăng

12:17 | 26/03/2022
Người Xơ Đăng, tỉnh Kom Tum có đời sống gắn bó mật thiết với nông nghiệp, hàng năm, khi mùa màng thu hoạch xong đồng bào lại thành kính tổ chức lễ 'Mừng lúa mới' để tạ ơn các vị thần đã mang những điều tốt đẹp đến với người dân bản làng.
Cách ứng xử với vụ mùa của người Xơ Đăng

Đồng bào Xơ Đăng, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum chuẩn bị vật phẩm cho Lễ mừng lúa mới.

Cũng như nhiều dân tộc anh em khác ở Tây Nguyên, đời sống tinh thần người Xơ Đăng gắn bó mật thiết với các lễ hội, lưu giữ nhiều yếu tố văn hóa đậm đà bản sắc. Trong năm, đồng bào Xơ Đăng có nhiều nghi lễ truyền thống như Lễ bắc máng nước, Lễ hội mừng lúa mới, Lễ ăn trâu… trong đó “Mừng lúa mới” là một nghi lễ quan trọng được tổ chức hàng năm, phản ánh đậm nét phong tục, tập quán và bản sắc của người Xơ Đăng. Nghi lễ này đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Xơ Đăng, có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối cộng đồng, tăng cường tình đoàn kết, đồng thời góp phần cho bức tranh văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thêm đa dạng và lung linh sắc mầu.

Hàng năm, khi lúa trên rãy đã chín vàng, người Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum bắt đầu việc thu hoạch và mở hội ăn mừng lúa mới, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Để thực hiện lễ “Mừng lúa mới”, già làng người có uy tín với cộng đồng, am hiểu luật tục cùng bàn bạc với dân làng chọn ngày tốt để tổ chức, các gia đình chủ động sửa sang lại nhà cửa, cầu thang, những đồ cũ dọn xếp quanh nhà ở những nơi dễ nhìn thấy, để thần Lúa từ rẫy trở về nhà không thấy xa lạ.

Trong những ngày này phụ nữ Xơ Đăng chuẩn bị các vật dụng thiêng dùng trong nghi lễ của gia đình như: Gùi thiêng, nồi nấu cơm cúng, dây sirh jrông, dây sirh prệh. Đàn ông Xơ Đăng khơi thông mạch nước đầu nguồn, sửa sang bến nước, dựng cây nêu để chuẩn bị cho nghi lễ quan trọng của cộng đồng.

 

Lễ hội “Mừng lúa mới” của người Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum, gồm hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là ăn lúa mới tại mỗi gia đình (Ka pa neo) và giai đoạn thứ hai là làm lễ mừng lúa mới tại cộng đồng làng (Onđrô tơ triêng).

Ở giai đoạn thứ nhất, khi lúa chín, chủ hộ và gia đình đến rẫy lúa của mình, dùng cây le tươi đánh dấu các vị trí tuốt lúa và thực hiện các nghi thức tín ngưỡng trước khi tuốt lúa. Sau khi tuốt lúa xong họ đưa lúa về kho cất giữ, mỗi gia đình mang một gùi lúa lớn về nhà để cúng lúa mới. Trên đường về, khi gặp ngã rẽ họ dùng cành cây chắn các lối đi phụ, chỉ để một lối đi từ kho lúa về nhà mình với suy nghĩ để lúa không lạc lối. Khi tất cả các gia đình trong làng đã ăn mừng lúa mới (Ka pa neo) ở từng gia đình xong, già làng tập trung các chủ hộ để thông báo lễ hội “Mừng lúa mới” của tất cả cộng đồng (On đrô tơ triêng).

Theo tục lệ, sáng sớm ngày làm làm Lễ tại nhà Rông, các gia đình trong làng đóng kín cửa, không ai được ra vào, chuẩn bị đầy đủ cơm, rượu ghè và các loại thức ăn nấu sẵn để nên giàn bếp. Già làng là người đầu tiên được phép mở cửa đi đến nhà Rông, sau đó đánh trống báo hiệu mời dân làng tới dự. Tiếng trống mời gọi, mặt trời chiếu những tia nắng ấm áp đầu tiên báo hiệu một ngày mới, đồng bào Xê Đăng rộn rã tới nhà rông của buôn, góp những vật phẩm do mình sản xuất, chăn nuôi như: Heo, gà, cơm lam, cơm nếp, rượu cần… để dâng cúng thần linh, cầu cho mùa mới mưa thuận gió hòa, bà con sung túc, đoàn kết.

 Già làng A Tủi dân tộc Cơ Đăng, thị trấn Đắc Tô, tỉnh Kon Tum làm lễ “Mừng lúa mới”.

Trong vai trò chủ lễ, già làng A Tủi, thị trấn Đắc Tô, tỉnh Kon Tum đọc lời khấn: “Ô Noa Pôk, ô Noa Sai. Êh lăm Trôh a nghiên ăm nghiên Pê Ka, Troh Hnăm nêu Trỗ ăn pôi ta hra, Pôi ta mo ngua” (Ơ Giàng, ơ Thần lúa, hôm nay hồn lúa về với làng chúng tôi, chúng tôi cầu mong thần lúa cho chúng tôi sang năm mới và mãi mãi đừng thiếu lúa để ăn, dân làng không phải đói, xin hồn lúa hãy ở với chúng tôi, cho chúng tôi được no đủ).

 Nghi thức cúng bến nước trong Lễ.

Sau lời khấn, già làng thực hiện các nghi thức truyền thống, trong đó có nghi thức “ăn cơm mới” và uống rượu làm phép, tiếp đó các thành viên trong làng lần lượt uống rượu và ăn cơm mới. Trong không gian văn hoá nhà Rông, lễ hội cổ truyền thu hút đông đảo bà con các dân tộc các buôn làng gần xa và khách mời đến cùng chung vui, thể hiện ý nghĩa gắn kết cộng đồng tốt đẹp.

Uống rượu ở nhà Rông xong, già làng cùng mọi người tham dự lễ ở nhà Rông lần lượt đi đến từng gia đình trong làng (đoàn đi theo hướng tay trái, già làng là người đi đầu tiên) đến mỗi nhà, chúc các gia đình những lời chúc tốt đẹp cho một vụ mùa mới. Các gia đình mang cơm rượu, thức ăn ra tiếp đoàn. Dân làng cùng uống rượu, múa hát, đánh cồng chiêng và tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian cho đến tận khuya. Khi lửa đã tàn, rượu đã nhạt, lễ hội chính “Mừng lúa mới” của người Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum xem như mới kết thúc.

Theo Dangcongsan

 

Nguồn: VTV4.VTV.VN