Đến đảo Điệp Sơn (Khánh Hòa) ngắm đường đi trên biển

02:40 | 15/06/2019
Đến với Điệp Sơn không chỉ có nắng vàng, cát trắng, biển xanh mà còn là nơi bình yên, trong lành như chốn thiên đường.
Đến đảo Điệp Sơn (Khánh Hòa) ngắm đường đi trên biển

Độc đáo đường đi trên biển

Điệp Sơn (hay còn gọi là Hòn Bịp) là một dãy đảo gồm 3 hòn đảo nhỏ, nằm trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Để đến được đảo Điệp Sơn, cần phải ra bến tàu Vạn Giã, nằm trên đường bờ kè ven biển. Buổi sáng trong lành của một ngày cuối tháng năm, nhiều du khách trong và ngoài nước hối hả lên tàu ra đảo Điệp Sơn để ngắm đường đi trên biển. Nếu đi ca nô, chỉ mất từ 7 – 10 phút là đến nơi. Nhưng đi tàu thì phải chờ lâu vì đợi đủ khách và chạy rất chậm, mất chừng 50 – 60 phút. Tùy vào tài chính hoặc thích không gian riêng tư mà khách chọn lựa phương tiện giao thông đường thủy thích hợp.

Đường đi trên biển 

Ở đảo Điệp Sơn, có một đường đi trên biển độc đáo, là điểm nhấn mà từ Bắc tới Nam ai cũng mê mẩn nô nức ra đây thưởng ngoạn. Từ tháng giêng đến tháng 6 trong năm là mùa đẹp nhất để ra đây vì biển êm dịu, không đỏng đảnh sóng to. Đứng trên tháp canh ngay bến tàu, mọi người có thể chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp về đảo, nhất là đường đi trên biển. Chẳng biết từ khi nào xuất hiện đường đi độc đáo này. Nhưng khoảng 1 năm nay, nhiều công ty du lịch đã nắm bắt cơ hội  tổ chức tour đi trong ngày để du khách thưởng ngoạn. Một nhân viên phục vụ quán ăn trên đảo cho biết, thực ra đường đi trên biển đã có từ lâu nhưng những năm gần đây nó lộ rõ hơn. Đó là một đường đi dài chừng 1km, uốn lượn như hình chữ S, lộ hiện thực hơn vào lúc 12 giờ trưa. Người ta đến đây chụp ảnh, selfie và tắm biển đông đúc. Đường đi này nối liền từ đảo Điệp Sơn ra hai đảo nhỏ (hòn Quạ và hòn Ó). Lô nhô trên đảo là những lều trại của dân đi phượt (đa phần là người trẻ) đến để tìm cảm giác lạ.

Những cư dân thích yên bình

Trên đảo có 86 hộ dân, đa phần đều làm nghề đi biển hoặc liên quan đến biển. Trên chuyến hành trình từ bến Vạn Giã ra đảo Điệp Sơn, có nhiều bè cá bốp, tôm nằm san sát nhau. Đó là tài sản, chén cơm cả cư dân trên đảo Điệp Sơn. Họ nuôi trồng, đánh bắt trên biển và đến đảo Điệp Sơn cư trú. Dần dần định cư tại đây luôn. Theo anh Việt, người chuyên kinh doanh môtô nước cho biết: “Tôi thấy sống ở đây thoải mái hơn trong đất liền. Không khói bụi, không ồn ào, không bon chen. Nói chung, nơi đây rất tuyệt để gia đình tôi định cư”. Quả thật nơi đây bình yên đến mức thời gian như ngừng trôi, chỉ nghe được tiếng sóng biển vỗ rì rào và nghe tiếng chim biển ríu rít. Trên bãi biển hầu như  không có tí rác nào. Rải rác trên đảo có những bọc nylon đựng rác để đấy cho du khách bỏ rác vào. Những rác thải công nghiệp được đưa vào đất liền. Trong khi rác hữu cơ thì người dân tự hủy trong rừng cây.

Lều của dân phượt 

Dọc theo triền gò có nhiều ngôi nhà xây cất đơn sơ nhưng chắc chắn để tránh bão và cái lạnh cứa da cứa thịt của gió biển thốc vào. Hầu như nhà nào cũng xây vài túp lều, có gác để cho du khách thuê nghỉ qua đêm, dạng homestay.  Không có hotel, motel nhưng thật tuyệt vời khi du khách sống cùng nhà dân ở đây. Từ một ngôi làng chỉ chừng 30 hộ dân mà giờ đã lên 86 hộ. Có người sống đến cuối đời và yên nghỉ tại đây. Những gò cát cao lẫn trong những lùm cây xương rồng, cứ nghĩ là một mô đất tự nhiên nhưng lại là nấm mồ vô danh. Họ bám biển, bám đảo và ra đi yên bình nơi đây, truyền nghề đi biển lại cho con cháu tiếp nối.

Nguồn: Quehuong online