Người Hà Nội và sen

13:59 | 05/06/2020
Sen có ở hầu hết các tỉnh đồng bằng từ Bắc vào Nam và rất quen thuộc với người dân, nhưng ở Hà Nội, sen với người, người với sen lại quấn quýt nhau.
Người Hà Nội và sen

Thú chơi với sen 

Xưa hồ đầm nào ở Hà Nội cũng trồng sen. Phía Bắc có hồ Tây, phía Nam có hồ Vọng và hồ Thịnh Liệt, phía Tây Nam có hồ Liên Trì (tương ứng phố Nguyễn Gia Thiều, Trần Quốc Toản, Nguyễn Du), phía Tây có hồ Ngọc Khánh, Giảng Võ… Thậm chí chùa Bái Ân (tương ứng với Bưu điện Bờ Hồ hiện nay) trồng sen nhiều đến mức dân chúng gọi luôn bằng tên khác là chùa Liên Trì (hồ sen). Nhưng sen nhiều nhất là ở Tây Hồ. Sen Tây Hồ qúy vì bông lớn  khi nở to như hai bàn tay mở, cánh mỏng mịn như lụa, có trăm cánh (còn được gọi là Bách Diệp) xếp lớp bao bọc lấy nhụy, đài và  gạo, giữ cho sen mùi thơm thuần khiết, ngát đượm.

Đấy vàng đây cũng đồng đen

Đấy hoa thiên lý đây sen Tây Hồ

Sen mọc từ đầm nước, từ một cõi trần ô trọc, đã vươn lên trở thành một bông hoa thanh cao, đi vào tâm thức mọi người, trở thành hình tượng trong nghệ thuật, trong kiến trúc và điêu khắc. Đặc biệt, hoa sen trở thành biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo phương Đông, tượng trưng cho vẻ đẹp thần bí, huyền ảo, tư tưởng sâu kín. Từ lâu sen đã trở thành đề tài của thi ca. Vua Lê Thánh Tông là người  đầu tiên làm thơ về sen. Bài “Hoa sen non” ông viết khi du ngoạn vào mùa sen Tây Hồ:

Dìu dịu Lam Điền ngọc mới tương,

Hồ thanh, sắc ánh, mặt dường gương.

Ngọc in làm dáng tiền sơ đúc

Chàm nhuộm nên màu, tán chửa giương

Lạt biếc mới khai mày Thái mẫu,

Thắm hồng còn kín má Vương Tường.

Khách thơ hứng nghĩ hiềm chưa đủ,

Mười trượng hoa thì mười trượng hương.

Sen làm hồ ở Hà Nội trở nên mềm mại hơn, còn hồ như chiếc bình lớn cắm hàng nghìn bông sen làm sen duyên dáng hơn. Từ lâu, Tây Hồ vào mùa sen trở thành nơi tổ chức những cuộc vui thú của vua chúa và giới quí tộc phong kiến. Vua Lê Tương Dực (1509-1516), một ông vua nổi tiếng ăn chơi trong lịch sử quân chủ Việt Nam đã  cho sửa sang hành cung ở hồ Tây làm chỗ nghỉ ngơi. Sách Đại Việt sử ký chép, ông “vua lợn” này bầy ra trò chơi “tiên nữ hái hoa sen”, tức là bắt cung nữ trút bỏ váy áo ở trần giả làm tiên chèo  thuyền hái sen nở để vua xem.

Trong “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ và “Tang thương ngẫu lục” của Nguyễn  Án cùng viết về  thú chơi của chúa Trịnh Sâm trong Trung thu năm 1774: “Ngày hôm đó Chúa ngự trên ly cung Thụy Liên (sen ngủ). Dưới là sen, trên bờ là cây phù dung mắc đèn lồng. Nhạc công hoặc ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc, hoặc ẩn mình dưới bóng cây, bến đá tấu nhạc”. 

Vì hoa sen đẹp và thơm nên được cắm trong phủ chúa, cung vua. Ở  Nghi Tàm có ngôi miếu ở ven đường gọi là miếu Bà Cô. Tương truyền cô gái họ Đoàn này đi thuyền hái sen dâng lên cung Thụy Liên của chúa Trịnh nhưng chẳng may thuyền bị đắm khiến cô bị chết, dân Nghi Tàm cho là cô chết trẻ nên thiêng đã lập miếu thờ. 

ảnh 2

Uống trà sen là thú ẩm thực của người Hà Nội

Sen với đời sống 

Thời Hậu Lê, ở phường Thụy Chương (nay là phường Thụy Khuê), 1 trong 36 phường của kinh thành Thăng Long  có nghề cất rượu sen. Dân ở đây đồ gạo nếp cùng với hạt sen sau đó rắc men và ủ cho ngấu. Rồi họ chỉ lấy “rượu cốt” sau đó pha lẫn với nước đã ướp hương sen với nồng độ vừa phải để thành rượu hương sen. Truyền thuyết kể rằng, rượu Thụy Chương ngon đến mức Phật uống say nên xưa ở đây có chùa Đõ với bức tượng Phật say rất độc đáo.

Nhưng lạ kỳ là rượu sen nấu ở Thụy Chương, song nó lại được bán ở làng bên cạnh là Võng Thị. Các quán rượu ở Võng Thị  chỉ bán vào buổi tối, quán nào cũng có các nghệ nhân hát chèo và ca trù nên thu hút rất đông tửu khách bốn phương. Nửa cuối thế kỷ 18 có hai nhà Nho đến đây uống rượu, thưởng thức tiếng đàn giọng hát đã bật cảm xúc làm thơ. Trần Bá Lãm có bài “Thụy phường liên tửu” (Rượu sen phường Thụy).  

Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến (An ninh Thủ đô)

 

Nguồn: VTV4.VTV.VN