Tết Đoan ngọ trong văn hóa Việt Nam

09:33 | 07/06/2019
Hôm nay, ngày 7-6 (Mồng 5-5 Âm lịch) là ngày Tết Đoan Ngọ. Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hóa phong phú.
Tết Đoan ngọ trong văn hóa Việt Nam

Hằng năm cứ đến mồng 5 tháng 5 (âm lịch) người dân Việt Nam lại tổ chức Tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn dương là mặt trời, là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc mà ở nhiều nước châu Á cũng có Tết Đoan Ngọ. Vì vậy, Tết Đoan Ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Tùy theo quan niệm của từng vùng mà người dân lựa chọn các món sản vật dâng cúng ông bà, tổ tiên ngày Tết Đoan ngọ khác nhau nhưng phải đảm bảo đủ các lễ vật chính như hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp.

Những thức ăn truyền thống có trong Tết Đoan Ngọ (Ảnh: VOV.vn) 

Văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú nên tại mỗi miền của đất nước lại có những nét văn hóa đặc trưng riêng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Phụ nữ các vùng quê miền Bắc phần lớn đều biết "ngả rượu nếp" và thường tranh thủ dịp này ngả rượu để mang ra phố thị bán, rượu nếp cũng được người dân thành thị ưa chuộng, là thức ăn trong dịp Tết Đoan Ngọ.

Còn ở miền Trung, món không thể thiếu trên mâm cơm cúng là bánh ú tro. Nhà nào cũng mua từ ba bốn chục bánh trở lên để cúng gia tiên và sau đó cả gia đình cùng nhau thưởng thức.

Ngoài ra, theo truyền thống của người Nam bộ, thịt vịt cũng là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này trong mâm cỗ. Đoan Ngọ là Tết giữa năm, trước là tưởng nhớ tổ tiên, sau là ước mong chữa bệnh, cầu sức khoẻ. Tết Đoan Ngọ đã gắn với tín ngưỡng của cả cộng đồng Việt Nam từ bao đời và trở thành một lễ tết truyền thống.

Bánh ú tro của miền Trung sử dụng trong Tết Đoan Ngọ Ảnh: Gia Tiến, báo Tuổi Trẻ

Theo VTV, Dangcongsan.vn, Quehuongonline

 

Nguồn: Quehuong online