Gia Lai bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng

07:19 | 20/02/2021
Tỉnh Gia Lai đã có các giải pháp hữu hiệu bảo tồn và phát huy di sản Không gian văn hóa cồng, chiêng Tây Nguyên.
Gia Lai bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng

Tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình hành động để bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng

 (Ảnh: Hoàng Ngọc)

Cồng, chiêng là loại nhạc cụ biểu diễn nghệ thuật gắn liền với lịch sử, văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã có các giải pháp hữu hiệu bảo tồn và phát huy di sản Không gian văn hóa cồng, chiêng Tây Nguyên.

Mới đây, đội chiêng nhí Pleiku Roh (phường Yên Đổ, thành phố Pleiku) tích cực ôn lại một số bài chiêng có tiết tấu vui nhộn để biểu diễn chào đón năm mới 2021 tại nhà thờ của làng. Đội chiêng nhí gồm có 17 thành viên, được nghệ nhân trẻ Siu Thưm truyền ngọn lửa đam mê với nghệ thuật cồng chiêng. Anh Siu Thưm cho biết năm 2008, khi anh mới lấy vợ về Pleiku Roh, ở đây chỉ có một đội chiêng của người già, nên anh mở lớp dạy cồng chiêng miễn phí cho thanh niên và trẻ em vào mỗi buổi tối. Từ đó tới nay, Pleiku Roh có thêm 2 đội chiêng của thiếu niên và thanh niên; tiếng chiêng lại vang lên trong hầu hết các dịp hiếu hỉ, thôi nôi, nhà mới của dân làng: “Ban đầu mình chỉ có suy nghĩ đơn giản là các bạn trẻ ngày nay bị internet và các văn hóa ngoại lai cuốn hút nhiều quá, không quan tâm mấy tới cồng chiêng. Mình biết đánh chiêng, mình thấy văn hoá cồng chiêng hết sức tuyệt vời, mình muốn truyền dạy lại nét văn hoá của cha ông mình cho các bạn trẻ. Sau này khi đã hiểu về cồng chiêng, thì các bạn học rất nhanh và rất đam mê.”

Già làng Siu Rên (làng O, xã Ia O, Ia Grai) cho biết người Jrai coi cồng chiêng là một loại tài sản của gia đình. Bởi cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ để đánh mỗi khi vui, buồn, mà còn thể hiện sự sung túc. Vì thế, hầu hết các gia đình trong làng O đều phấn đấu mua một bộ chiêng để sử dụng vào những dịp quan trọng của gia đình mình, mà không phải đi mượn hàng xóm. Chỉ tay về mảng vách nhà đã treo kín chiêng, già làng Siu Rên khoe rằng gia đình ông có 2 bộ, 1 bộ chiêng quý, chỉ sử dụng cho người già đánh trong những dịp quan trọng như đám ma, pơ thi, đâm trâu. Già làng Siu Rên kể:Bộ chiêng quý mình mua sau vụ mùa làm được tiền, mình để dành cho con cháu sau này sử dụng trong nhưng lễ quan trọng như đám ma, đâm trâu, pơ thi, tân gia…Mình tuyên truyền cho con cháu là tập quán của mình là phải có bộ chiêng, phải lưu trữ, không được bán.”

 Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC

Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC

Tỉnh Gia Lai là địa phương đang lưu giữ số lượng cồng chiêng nhiều nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Theo kết quả kiểm kê năm 2020, tại tỉnh Gia Lai còn lưu giữ hơn 5.600 bộ cồng chiêng, trong đó có hơn 930 bộ chiêng quý hiếm. Hàng năm, ngành văn hóa của hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều tổ chức các cuộc thi diễn tấu cồng chiêng cấp cơ sở, tặng cồng chiêng cho các làng. Điều này không chỉ giúp tạo không gian biểu diễn cồng chiêng mà còn khích lệ phong trào bảo tồn cồng chiêng của bà con dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Pleiku, cho biết:“Hàng năm thành phố mua các bộ chiêng tặng các làng để luyện tập, phòng dân tộc cũng tổ chức các lớp truyền dạy chiêng cho thế hệ trẻ. Nội dung là các bài chiêng cỏ truyền, nghệ nhân truyền dạy là già làng, người uy tín, nên các em tiếp thu rất tốt, và rất đam mê.”

Trong 15 năm qua, kể từ khi không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, tỉnh Gia Lai đã thực hiện nghiêm túc các cam kết, từ việc tổ chức những lễ hội cồng chiêng quy mô lớn, đến việc vinh danh nghệ nhân cồng chiêng… Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai, cho biết:Tỉnh Gia Lai tổ chức Festival cồng chiêng Quốc tế (2009), Festival cồng chiêng Tây Nguyên (2018). Chúng tôi đang đề xuất các địa phương đưa cồng chiêng vào dạy trong trường học.

Tỉnh Gia Lai chú trọng khai thác các yếu tố của không gian văn hóa cồng chiêng để phát triển du lịch như xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng; kết hợp lễ hội với các di sản thiên nhiên như lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, lễ hội cỏ hồng gắn với ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc, hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô gắn với liên hoan văn hóa cồng chiêng… Tỉnh Gia Lai là điểm sáng trong việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng bằng nhiều hình thức.

Nguồn: VOV