Ký ức Trung thu xưa giữa Hoàng thành Thăng Long

09:22 | 06/09/2019
Trong không gian của di sản, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đã tái hiện những hình ảnh, âm thanh rộn rã của Tết Trung thu xưa.
Ký ức Trung thu xưa giữa Hoàng thành Thăng Long

Sáng 6/9, chương trình vui Tết Trung thu với chủ đề "Trống hội trăng Thu" diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) với nhiều hoạt động hấp dẫn, gợi lại cho mọi người những ký ức về Trung thu truyền thống.

Trong không gian của di sản, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đã tái hiện những hình ảnh, âm thanh rộn rã của Tết Trung thu xưa.

Đặc biệt, tại đây được sắp đặt những chiếc trống hội đủ kích thước, màu sắc gợi nhớ không gian hội hè, lễ tết quen thuộc ở mỗi làng quê Việt Nam.

Chương trình vui Tết Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long thu hút đông đảo các em nhỏ đến tham quan, trải nghiệm. Các em được xem biểu diễn múa sư tử, hát trống quân, trải nghiệm làm bánh Trung thu, tô vẽ mặt nạ giấy bồi, làm diều, tô tượng, tô tranh, nặn tò he và tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, bập bênh, đi cầu tre, leo núi tam giác...

Tham gia giới thiệu đồ chơi truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long, nghệ nhân Vũ Thị Thoản, làng Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, cho biết đồ chơi truyền thống là món quà không thể thiếu trong mỗi đêm rước đèn chơi trăng của các cháu thiếu nhi.

Bà rất vui khi mang sản phẩm và nghề truyền thống làm trống của gia đình để giới thiệu đến du khách và các em thiếu nhi, giúp mọi người hiểu thêm về loại đồ chơi này.

Ky uc Trung thu xua giua Hoang thanh Thang Long hinh anh 2Không gian trưng bày Tết Trung thu truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tối 6/9, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội cũng tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa Tết Trung thu năm 2019 tại không gian bích họa Phùng Hưng và các điểm di sản trong khu phố cổ Hà Nội.

Tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), Ban quản lý Phố cổ Hà Nội giới thiệu không gian Tết Trung thu truyền thống. Các nghệ nhân trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi dân gian như đèn ông sao, ông tiến sỹ, ông đánh gậy, diều giấy, tàu thủy bằng sắt tây, tò he...

Tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, sẽ giới thiệu không gian Tết Trung thu truyền thống của gia đình Hà Nội; giới thiệu bộ ảnh Trung thu phố cổ đầu thế kỷ 20.

Tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ), các nghệ nhân hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống như vẽ mặt nạ, vẽ đèn tre, làm bưu thiếp và vẽ trên giấy dó, làm đèn con thỏ, vẽ con cá bằng gỗ...

Tại không gian bích họa Phùng Hưng, Ban quản lý phố cổ Hà Nội sắp đặt các gian hàng giới thiệu đồ chơi. Các nghệ nhân và thợ thủ công hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống cho các em nhỏ và người dân, du khách. Tại đây, cũng tổ chức không gian vui chơi dành cho thiếu nhi với các trò chơi dân gian chơi ô ăn quan, cướp cờ, đánh chuyền, kéo co, bịt mắt bắt dê, cà kheo, múa sạp, nhảy bao bố, nhảy lò cò...

Bên cạnh đó, các nghệ nhân còn biểu diễn trống Đọi Tam, rối cạn Tế Tiêu, biểu diễn hát trống quân và các tiết mục văn nghệ dân gian phục vụ thiếu nhi.

Cũng trong thời gian này, một số điểm tại tuyến phố đi bộ khu Phố cổ Hà Nội diễn ra các hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống và đương đại phục vụ thiếu nhi: Đền Quan Đế - 28 Hàng Buồm, ngã ba Lương Ngọc Quyến-Hàng Giày, đền Hương Tượng - 64 Mã Mây, ngã 5 Đông Thái-Mã Mây-Hàng Buồm-Đào Duy Từ...

 

Nguồn: TTXVN