Nhà báo Thu Hà: Sau chuyến tác nghiệp cho VTV Đặc biệt "Trở về từ vùng dịch", điều tôi mong nhất là sự bình an
Tôi liên lạc với nhà báo Thu Hà ngay khi chị đang trên đường di chuyển từ thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona đến sân bay San Fransico, Mỹ. Từ sân bay đó, chuyến bay VN1 của Hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ chở 343 hành khách từ Mỹ, vốn là tâm dịch Covid-19, về Việt Nam. Nhà báo Thu Hà và quay phim Trọng Đức của Đài Truyền hình Việt Nam cũng là những hành khách có mặt trên chuyến bay đặc biệt để trở về quê hương.
Không chỉ là một hành khách may mắn có mặt trên chuyến bay đó, mà nữ nhà báo của Ban Truyền hình đối ngoại còn phải thực hiện một nhiệm vụ quan trọng khác – thực hiện bộ phim tài liệu VTV Đặc biệt – Trở về từ vùng dịch. Ngoài áp lực về thời gian, hoàn thành trọng trách Lãnh đạo Đài đã tin tưởng giao phó, chuyến tác nghiệp lần này còn ghi dấu rất nhiều điều đặc biệt trong sự nghiệp làm báo của chị. Kể từ lúc liên lạc được với nhà báo Thu Hà vào đầu tháng 5, sau một tháng, tôi đã có được một cuộc phỏng vấn với chị. Đó cũng là thời điểm chị kết thúc việc cách ly tập trung và tự cách ly tại nhà theo quy định của Bộ Y tế, quay trở lại với guồng công việc bận rộn ở VTV.
"Nằm" trong vùng dịch mới thấu hiểu mọi thứ khó khăn và sức ép tâm lý"
Ở nước Mỹ vào đúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát và đang vô cùng căng thẳng, lý do gì khiến chị lại xuất hiện ở đó?
- Tôi sang Mỹ vào khoảng giữa năm 2019, theo học chương trình học bổng Fulbright Hubert Humphrey Fellowship của Chính phủ Mỹ tại Đại học tiểu bang Arizona với khóa học về báo chí và truyền thông. Thời gian học là gần một năm. Thời điểm dịch bệnh bùng phát ở Mỹ, tôi đang bước vào kỳ học mùa Xuân tại trường và gần hoàn thành xong khóa học của mình.
Tôi còn nhớ, cuối tháng 1/2020, chúng tôi nhận được thông báo của nhà trường, nước Mỹ phát hiện ra 5 ca nhiễm virus Corona đầu tiên thì trường tôi có một ca dương tính. Được biết cá nhân đó vừa di chuyển về từ Vũ Hán, Trung Quốc sau kì nghỉ Tết Âm lịch.
Thời điểm đó, cũng như nhiều sinh viên châu Á, chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh từ trong nước và biết sự nghiêm trọng của chủng virus này. Tuy nhiên, khác với chúng tôi, các bạn sinh viên quốc tế và Mỹ lại rất chủ quan, các bạn nghĩ rằng dịch bệnh ở đâu rất xa nước Mỹ. Virus này giống như cúm mùa và sẽ nhanh chóng kết thúc. Mọi thứ rồi sẽ ổn, không có gì đáng lo ngại.
Việc dịch bùng phát ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống và công việc học tập của chị?
- Khi ca nhiễm virus Corona đầu tiên phát hiện, nhà trường đã rất nhanh chóng thông báo để trấn an sinh viên và đưa ra các phương thức phòng chống lây nhiễm. Tuy nhiên, các biện pháp có đôi chút khác biệt với Việt Nam như chúng tôi không phải đeo khẩu trang, đứng cách nhau 6ft (khoảng 2m) và thường xuyên phải rửa tay. Thời gian đó, phần lớn chỉ có sinh viên Châu Á trong trường chịu khó đeo khẩu trang. Đôi khi chúng tôi cũng rất ngại vì quan niệm phòng bệnh khác biệt. Các bạn Mỹ nghĩ rằng, chỉ có những ai bị bệnh mới đeo khẩu trang. Cách nghĩ này cũng khiến chúng tôi khá ngần ngại mỗi khi khư khư khẩu trang vào lớp học, nhưng an toàn vẫn là trên hết.
Chỉ chưa đầy hai tháng sau, nước Mỹ chính thức bước vào thời điểm khủng hoảng. Dịch bệnh đã không thể kiểm soát khi hàng loạt xét nghiệm virus được tiến hành trên diện rộng. Chính vì sự chủ quan nên nước Mỹ đã đánh mất thời điểm vàng để có thể kiểm soát dịch.
Cuối tháng 3, sau kì nghỉ Xuân, tất cả các trường học trên toàn nước Mỹ chuyển sang hình thức học trực tuyến, chúng tôi được khuyến cáo thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế ra ngoài đường, tránh tụ tập đông người. Sự thay đổi đột ngột đã tác động khá lớn lên tâm lý chúng tôi, đặc biệt là các sinh viên quốc tế. Trước tiên, học trực tuyến bên máy tính một ngày dài khiến chúng tôi khá mệt mỏi vì không thể di chuyển giữa các lớp học và khu học xá, không được giao tiếp trực tiếp với bạn bè. Ngoài việc học, thông thường, chúng tôi phải tham gia rất nhiều các hoạt động ngoại khóa của nhà trường, do vậy việc chuyển đổi hình thức học và sinh hoạt là một cú sốc lớn tới tâm lý sinh viên. Bản thân các giáo sư cũng phải làm quen với việc dạy và giao tiếp trực tuyến với sinh viên.
Ban đầu khá là bối rối nhưng sau rồi chúng tôi cũng làm quen được. Đối với sinh viên quốc tế, tâm lý có phần nặng nề hơn bởi một thân một mình bên đó, không có người thân bên cạnh. Bạn nào mua mức bảo hiểm thấp thì càng lo vì nếu nhiễm bệnh thì không biết xoay xở tài chính như thế nào. Đúng là "nằm" trong vùng dịch mới thấu hiểu mọi thứ khó khăn và sức ép tâm lý.
Chị đã có suy nghĩ nên trở về nước vào lúc nào?
- Ban đầu, tôi không có dự định về nước sớm, bởi nghĩ rằng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát và các đường bay thương mại quốc tế sẽ được nối lại vào đầu tháng 7. Tôi muốn ở lại nước Mỹ để tập trung toàn thời gian hoàn thành năm học trên trường và 6 tuần thực tập tại một công ty của Mỹ theo kế hoạch. Tuy nhiên, hàng ngày xem tin tức của Mỹ, với tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, nếu không thu xếp về nước sớm thì tôi sẽ không thể về kịp trước thời hạn Đài cho nghỉ phép để đi học. Mặt khác, visa của tôi cũng gần hết hạn, không thể chờ được đường bay thương mại để trở về. Ngay sau khi hoàn thành môn học cuối trên trường cũng là lúc tôi biết được thông tin Chính phủ Việt Nam tổ chức các chuyến bay đưa công dân vì những lí do khẩn cấp phải trở về nước. Tôi đã đăng ký, may mắn được lựa chọn và đây cũng là lí do tôi có mặt trên chuyến bay đặc biệt này.
Lúc đó có trùng với thời điểm chị nhận được nhiệm vụ thực hiện bộ phim tài liệu "Trở về từ vùng dịch"?
- Ý tưởng phim ban đầu được Tổng giám đốc Trần Bình Minh giao cho Ban Thời sự, Văn phòng Thường trú VTV tại California chủ trì, thực hiện khi biết gia đình quay phim Lê Trọng Đức hết nhiệm kỳ tại Mỹ và trở về nước trên chuyến bay VN1. Nhà báo Đỗ Đức Hoàng - Phó Ban Thời sự trực tiếp chỉ đạo sản xuất bộ phim.
Cũng là một cái duyên, tôi lại tình cờ có mặt trên chuyến bay. Vậy là, rất nhanh chóng, chúng tôi đã hình thành nhóm sản xuất để ghi lại hành trình chuyến bay đặc biệt này.
Tôi nhận nhiệm vụ trong khoảng thời gian rất gấp, chỉ hai ngày trước chuyến bay dự kiến vào ngày 2/5. Thú thật khi đó tôi không ở trong tâm thế là sẽ làm phim mà đơn thuần là một hành khách thông thường trở về nước. Do vậy, mọi sự chuẩn bị đều không có khiến tôi rất bối rối. Lo lắng nhất là không biết có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong hoàn cảnh đặc biệt này hay không vì thời gian gấp rút, phương tiện tác nghiệp hạn chế (quay phim không thể di chuyển sớm từ Los Angeles tới San Francisco), rồi nguy cơ nhiễm bệnh rất cao khi tôi sẽ phải di chuyển thường xuyên trên taxi để đi ghi hình, chưa kể tiếp xúc trực tiếp với các hành khách khác đang lưu trú tại San Francisco chờ chuyến bay.
Vậy là, trong 5 ngày chờ đợi chuyến bay (bị hoãn tới ngày 7/5), thì 4 ngày đầu tôi đã phải dùng điện thoại để tác nghiệp khắp San Francisco. Khi đã nhận nhiệm vụ thì hầu như chúng tôi buộc phải quên hết mọi rủi ro. Hơn ba tháng giữ gìn cẩn thận, tránh tối đa mọi tiếp xúc thì giờ chẳng còn bận tâm. Tôi và Đức (quay phim) xác định, chắc chắn chúng tôi sẽ dương tính với Corona nếu có hành khách trên chuyến bay dương tính, bởi bạn biết, khi tác nghiệp, chúng tôi buộc phải tiếp xúc với diện rộng. Mọi người ở yên thì chúng tôi phải di chuyển. Chúng tôi chia nhau nhiệm vụ trên hiện trường để có thể ghi lại được nhiều nhất những khoảnh khắc chân thực của cả hành trình. Do vậy, rủi ro nhiễm bệnh là nhân đôi.
Với một số khó khăn và rủi ro phải đối mặt nhưng tôi nghĩ mình thật sự rất may mắn khi có cơ hội tham gia ghi hình chuyến trở về đặc biệt này. Chúng tôi vẫn trêu nhau là chuyến bay lịch sử trở về từ vùng dịch. Vì đúng, đây là cơ hội hiếm hoi bởi không phải phóng viên nào cũng có thể có mặt trong những chuyến bay như thế. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải làm hết sức để có thể đưa tin tức và những hình ảnh chân thực nhất tới khán giả.
"Khi đã nhận nhiệm vụ thì hầu như chúng tôi buộc phải quên hết mọi rủi ro"
Việc phối hợp cùng lúc 3 đơn vị và ở khoảng cách địa lý xa như vậy trong thời điểm dịch bệnh diễn ra ra sao thưa chị?
- Rất may nhờ có công nghệ mà chúng tôi bàn bạc rất thuận lợi. Bộ phim có hai tổ chức sản xuất rất chuyên nghiệp là phóng viên Khuất Minh (Ban Thời sự) và nhà báo Lê Minh (VTV tại California). Ngay sau khi có chỉ đạo sản xuất, Khuất Minh và Lê Minh đã rất nhanh chóng lên kịch bản ý tưởng và khung của bộ phim. Mọi khâu tổ chức sản xuất, liên hệ các đầu mối trong và ngoài nước được hai bạn tổ chức rất chuyên nghiệp với thời gian vô cùng gấp rút. Khuất Minh tác nghiệp tại Việt Nam, thường xuyên cập nhật những diễn biến, thay đổi để chúng tôi kịp thời điều chỉnh kế hoạch.
Còn anh Lê Minh liên lạc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco và làm việc với Sân bay quốc tế San Francisco để chúng tôi có thể được phép ghi hình trong sân bay. Tôi tham gia vào sau và rất may mắn khi đã được mọi người hỗ trợ sẵn rồi, mình chỉ phải lên đường ghi hình, xử lý mọi tình huống ở hiện trường và cảm nhận thực tế.
Quá trình tác nghiệp trên chuyến bay diễn ra như thế nào, thưa chị?
- Cũng rất may mắn cho tôi và anh Trọng Đức khi ê-kíp ở Việt Nam do phóng viên Khuất Minh tổ chức sản xuất rất tốt. Cả ba đơn vị thực hiện gồm Ban Thời sự, Cơ quan thường trú VTV tại Mỹ và Ban Truyền hình đối ngoại có sự phối hợp rất nhuần nhuyễn và chuyên nghiệp. Khuất Minh đã liên hệ trước cho tất cả các bên để khi chúng tôi lên chuyến bay được tạo điều kiện hết sức có thể để tác nghiệp. Anh Lê Minh cũng tổ chức rất tốt ở góc độ là làm việc với Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco và đồng thời với hãng hàng không Việt Nam ở bên San Francisco để có thể cho nhóm phóng viên tác nghiệp ở trong sân bay.
Đây cũng là hình thức phối hợp sản xuất mà tôi nghĩ là chưa từng có tiền lệ. Để tác nghiệp một cách thuận lợi nhất thì phải dựa vào khâu tổ chức sản xuất của các đơn vị khác nhau và gần như là tổ chức sản xuất mang tính quốc tế trong thời gian vô cùng gấp. Thế nên khi tác nghiệp từ sân bay bên Mỹ cho đến khi bọn tôi về đến Việt Nam, mọi việc đều rất trơn tru và thuận lợi. Điều khác biệt so với những chuyến bay thông thường khác là công tác kiểm dịch và công tác bảo hộ phòng hộ ở trên máy bay kỹ lưỡng hơn rất nhiều để tránh việc lây lan rộng, lây lan chéo cho nhau trên hành trình.
Trong quá trình tìm kiếm nhân vật gấp gáp như vậy, liệu rằng bộ phim sẽ có được câu chuyện hay để phản ánh?
- Đấy cũng đúng là những lo lắng của tôi khi thực hiện bộ phim này. Trong thời gian quá gấp rút, chúng tôi không thể khắt khe lựa chọn các nhân vật chính cho bộ phim. Chúng tôi cũng không có nhiều thời gian để có thể tỉ mẩn với từng nhân vật. Như bạn biết, với phim tài liệu dài thì câu chuyện của nhân vật là yếu tố sống còn. Chúng tôi đã xác định phải gác lại tiêu chí này sau khi bắt tay thực hiện bộ phim. Tuy nhiên, rất may mắn, nhân vật mà chúng tôi có thể tiếp xúc được tại San Francisco lại có những câu chuyện điển hình mà các bạn du học sinh (vốn là đối tượng chính của chuyến bay này) đang mắc kẹt tại nước Mỹ. Rất tiếc, nếu chúng tôi có thêm thời gian thì sẽ có thêm cơ hội tiếp cận những đối tượng người Việt khác trên chuyến bay này (ví dụ: các bác lớn tuổi, người lao động…).
Để tác nghiệp một cách thuận lợi nhất thì phải dựa vào khâu tổ chức sản xuất của các đơn vị khác nhau và gần như là tổ chức sản xuất mang tính quốc tế trong thời gian vô cùng gấp.
Khoảnh khắc nào khiến chị ấn tượng nhất trong bộ phim lần này?
- Là lúc xem lại hình ảnh mà phóng viên Khuất Minh ghi lại khi máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Vân Đồn. Hình ảnh ban đầu chỉ là một đốm sáng nhỏ cho tới lúc máy bay chạy trên trường băng, rồi hàng trăm con người (quân đội, nhân viên y tế, xuất nhập cảnh, an ninh sân bay…) đã túc trực sẵn. Biết bao người đã phải vất vả, phối hợp trong và ngoài nước để giúp chúng tôi trở về an toàn. Lúc ở trên máy bay, do mải tác nghiệp, tôi không cảm nhận rõ điều đó nhưng lúc dựng hình thì ký ức lại ùa về. Vì mình là người trong cuộc nên cảm nhận rõ nét những gì xảy ra, thật sự rất xúc động. Tôi không nghĩ mình cũng đã trải qua một hành trình trở về gian nan đến như vậy.
Đã có rất nhiều kinh nghiệm làm báo, vậy chuyến tác nghiệp này có gì đặc biệt và giúp chị có thêm những kỹ năng và trải nghiệm gì?
- Suốt sự nghiệp làm báo của mình, tôi đã trải qua hàng chục chuyến bay trong và ngoài nước, nhưng đây là chuyến bay chưa từng có vì diễn ra vào đúng thời điểm đại dịch bệnh trên toàn cầu. Hơn nữa, lần đầu tiên Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tổ chức chuyến bay thẳng đưa công dân Việt Nam trở về từ nước Mỹ. Các thủ tục giấy phép, kĩ thuật để chuyến bay được tiến hành rất phức tạp.
Tôi nghĩ mình đã có một trải nghiệm rất ý nghĩa. Lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến diễn biến phức tạp của dịch bệnh khủng khiếp này. Vì vậy, những chi tiết phản ánh trong bộ phim sẽ ở dưới góc độ là một người làm báo đồng thời cũng là góc nhìn của người trong cuộc. Ngoài ra, quá trình ghi hình bộ phim cũng giúp tôi học được nhiều kĩ năng nghề nghiệp mới. Đó là linh động khi tác nghiệp trong điều kiện khẩn cấp. Ví dụ: tác nghiệp bằng điện thoại, phối hợp sản xuất từ xa… Hình ảnh không quá chau chuốt, nhưng sẽ rất chân thực.
Chị có cảm thấy tiếc nuối vì mình chưa thực hiện được điều gì không?
- Tôi nghĩ mình có một chút tiếc nuối vì thiếu sự nhạy cảm của một người làm phim tài liệu khi đại dịch Covid bùng phát tại Mỹ. Mặc dù thời điểm xảy ra dịch bệnh tại nước Mỹ, tôi cũng làm tin tức, chuyển về cho các bản tin trong nước nhưng không hề nghĩ tới sản xuất một bộ phim tài liệu về người Việt mắc kẹt trong tâm dịch. Tôi có ưu thế khi có mặt tại Mỹ thời gian dài nhưng chưa biết tận dụng lợi thế đó. Tôi vẫn rất áy náy vì sự thiếu tinh ý này.
Chị mong muốn thông qua bộ phim tài liệu, sẽ truyền tải được thông điệp gì?
- Tôi nghĩ thông điệp của bộ phim cũng là những gì tôi thực sự cảm nhận được trong suốt hành trình ghi hình này. Đó là "Việt Nam sẽ không để lại ai phía sau." Khi tình hình dịch bệnh trong nước tạm thời ổn định, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực tổ chức các chuyến bay đón công dân Việt Nam mắc kẹt ở các nước, vì lí do khẩn cấp phải về nước. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhiều bộ, ban, ngành và các hãng hàng không tại Nam đã tích cực phối hợp tổ chức nhiều chuyến bay đưa công dân trở về an toàn trong đại dịch.
Gia đình có lo lắng và hỗ trợ về tinh thần như thế nào cho chị?
- Gia đình là điểm tựa rất vững chắc cho tôi trong suốt thời gian làm báo. Nếu không có sự hỗ trợ, tin tưởng của bố mẹ và ông xã thì chắc tôi không thể theo đuổi được niềm đam mê làm báo của mình. Thời điểm dịch bệnh, gia đình ở trong nước rất lo lắng, thậm chí còn lo hơn cả tôi khi chính tôi mới là người ở tâm dịch. Có lẽ, mọi người ở trong nước được thông tin rất tốt về độ nguy hiểm của virus này. Hai bé thường gọi sang nhắn nhủ mẹ phải cẩn thận không nhiễm bệnh. Đồng nghiệp tại VTV cũng thường xuyên hỏi tình hình. Mọi người rất lo lắng. Khi quyết định về nước, tôi cũng giấu không cho các con biết để hai cháu không ngóng mẹ. Hai cháu chỉ biết khi thấy chuyến bay của chúng tôi được phát trên bản tin thời sự ngay ngày chuyến bay hạ cánh.
"Suốt 15 năm làm báo, từng trải qua rất nhiều chuyến đi nhưng đây là lần đầu tiên tôi phải đối diện với sự nguy hiểm "vô hình" thế này"
Trong sự nghiệp làm báo của chị, đã bao giờ chị phải đối mặt với những sự kiện nhiều bất an, nguy hiểm như thế?
- Suốt 15 năm làm báo, từng trải qua rất nhiều chuyến đi nhưng đây là lần đầu tiên tôi phải đối diện với sự nguy hiểm "vô hình" thế này. Nguy hiểm ở đây là tôi có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào mà mình không thể biết dù đã cố gắng phòng tránh. Nguy hiểm nhất là tôi vô tình sẽ lây bệnh cho người khác. Nếu riêng bản thân tôi mắc bệnh sẽ không sao nhưng điều tôi thấy lo lắng nhất là ảnh hưởng tới những người xung quanh mình.
Điều gì đọng lại trong chị sau tất cả những gì đã trải qua?
- Khi bộ phim được hoàn thành, cả chuyến bay rất an toàn vì không một trường hợp nào dương tính với virus Corona, thì chúng tôi thấy mình thực sự đã rất may mắn. Tất cả chúng tôi đã bình an, vốn là điều chúng tôi luôn mong muốn suốt cả hành trình: một chuyến bay an toàn, một chuyến bay không có người nhiễm bệnh. Riêng bản thân tôi, trong bộ phim này, với vai trò là một phóng viên thì tôi cảm nhận rõ hơn ai hết ý nghĩa của chữ "bình an".
Thực sự, làm báo là một nghề nguy hiểm và đòi hỏi sự hy sinh. Chúng tôi dám tới những nơi không ai tới, dám làm những điều không ai làm. Chúng tôi sẵn sàng đương đầu với những khó khăn và chấp nhận mọi rủi ro. Mục đích quan trọng nhất là phản ánh sự thật tới khán giả, bằng tình yêu nghề và sự cống hiến.
Xin cảm ơn chị về cuộc phỏng vấn!
Bộ phim tài liệu "Trở về từ vùng dịch" - VTV Đặc biệt tháng 7 sẽ được phát sóng vào 20h10 trên kênh VTV1 vào ngày 1/7/2020. Bộ phim do Ban Thời sự, Ban Truyền hình đối ngoại và Văn phòng thường trú VTV tại California phối hợp sản xuất.
Thực hiện tháng 6/2020.
Thực hiện: Chu Anh - Ảnh: NVCC
Các tin bài khác