Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, hàng năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức phiên chợ tranh Đông Hồ phục vụ nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ (tranh Đông Hồ), là một dòng tranh dân gian đặc sắc có từ thời Lê và được chế biến thủ công từ các nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên
Chợ tranh Đông Hồ, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một trong những phiên chợ cổ, đặc biệt tại vùng quê Kinh Bắc. Trải qua chiến tranh, phiên chợ không còn tổ chức nhưng những người quản lý, nhân dân nơi đây vẫn đau đáu được sống lại không khí xưa, quyết tâm bằng các giải pháp gìn giữ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.
Phiên chợ tranh Đông Hồ đã có cách đây hàng trăm năm, tồn tại đến giữa những năm 40 của thế XX. Mặc dù đến nay, Phiên chợ này không còn tổ chức nữa, nhưng ký ức về một thời huy hoàng của nó luôn thường trực trong tâm trí người dân nơi đây.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh phục dựng lại phiên chợ tại Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, phường Song Hồ thỏa lòng mong ước, niềm mến yêu tranh của những người yêu tranh.
Tranh Đông Hồ có tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, dòng tranh dân gian Việt Nam có xuất xứ từ làng Đông Hồ (nay là khu Tú Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành). Đây là loại tranh thường được phát hành dịp Tết Nguyên đán nên còn gọi là tranh Tết. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của người dân, tranh Đông Hồ không chỉ trưng bày vào dịp Tết mà còn được mọi người "chơi" quanh năm.
Nhớ lại những phiên chợ tranh Tết xưa, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế là một trong số ít người còn gìn giữ, bảo tồn dòng tranh tại Song Hồ cho biết, chợ tranh Tết xưa diễn ra tại đình Đông Hồ vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26 tháng Chạp hàng năm.
Trong mỗi phiên chợ, hàng nghìn bức tranh các loại được mang ra bày bán. Điều đặc biệt, mọi người mua tranh trả tiền hay dùng hàng hóa đổi lấy tranh đều được. Theo ký ức của những người làng tranh và thế hệ sau này nghe cha ông kể lại, khách mua tranh từ khắp các tỉnh gần xa xuôi theo sông Đuống, tuyến đường bộ về buôn tranh. Thương lái đến mua tranh mang theo đủ loại mặt hàng như người ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mang theo nước mắm, ở Bình Lục (Hà Nam) mang lụa sồi, ở Phú Thọ mang trà mạn, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) lại mang theo thuốc lào... Người dân làng tranh nổi tiếng tài hoa, phóng khoáng, việc mua bán cũng dễ dàng.
Các tin bài khác