Giữ gìn nét đẹp của tục mừng tuổi

06:55 | 23/01/2023
Tục mừng tuổi đã có từ lâu đời, đã trở thành một nét văn hóa đẹp đầu năm mới.
Giữ gìn nét đẹp của tục mừng tuổi

Ảnh: Lê Bích

Người ta thường đặt tiền vào chiếc phong bao nhỏ màu đỏ để mừng tuổi. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho niềm hy vọng, sự may mắn, cát tường và thịnh vượng trong suốt cả năm. 

Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết còn gọi là tiền “mở hàng”. Xưa, tiền cho vào phong bao phải là tiền lẻ (chứ không dùng tiền chẵn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều. Số tiền trong phong bao lì xì không đặt nặng giá trị mà mang đúng cái ý nghĩa mong cầu may mắn, tốt lành, cả người nhận và trao lì xì đều trao nhau sự vui vẻ cho một ngày đầu năm mới cát tường: Trẻ em thì hay ăn chóng lớn, học giỏi; người già thì mừng thọ, sức khỏe dồi dào.

Xưa, cứ sáng mùng 1 Tết, sau khi lễ bái xong là bà ngoại mừng tuổi các cháu. Bà ngồi trên sập khảm trai, bên cạnh bà là cái tráp sơn đỏ, các cháu lần lượt lên chúc Tết bà. Bà từ tốn mở tráp ra cho mỗi cháu một phong bao đỏ. Chúng trẻ chỉ đợi có thế, cám ơn bà rồi chạy ào ra vườn, kín đáo mở gói giấy ra, ở trong là tờ 1 hào mới cứng, thơm mùi giấy... Ngày nay, mọi lứa tuổi đều có thể được mừng tuổi để lấy may và có cả lì xì qua mạng. Tân cổ, xưa nay hòa quyện vào nhau làm nên cái hương vị, cái không khí Tết người Việt. 

Tuy nhiên, việc mừng tuổi đầu năm không phải “chuyện nhỏ”, nó đã bị biến tướng, trở thành thứ lấy lòng nhau khiến không ít người gặp phải những tình huống “dở khóc dở cười”. Nhiều đứa trẻ bóc bao lì xì ngay trước mặt khách, rồi so sánh người này, người kia cho ít cho nhiều. Không hiếm người bị trẻ con làm cho bẽ mặt trong ngày Tết. Về lâu dài, điều này tạo ra một lối sống thực dụng cho trẻ từ nhỏ. 

PGS.TS. Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tục mừng tuổi đầu năm là nét đẹp truyền thống của người Việt từ xa xưa và đến nay mọi người vẫn giữ được. Tuy nhiên, theo thời gian, tục mừng tuổi đang bị mất đi ý nghĩa khi cả người trao và người nhận có những suy nghĩ lệch lạc theo kiểu tiền phải nhiều thì tình cảm mới thắm thiết. Thậm chí, có người căn cứ vào số tiền lì xì để “đo” mối quan hệ khiến tục mừng tuổi biến đổi theo hướng tiêu cực. 

Để giữ được phong tục truyền thống, các gia đình nên giáo dục cho trẻ biết tiền mừng tuổi đó là lộc, dù ít hay nhiều cũng phải biết nói lời cảm ơn và thể hiện sự vui mừng, vì người ta đã mang cái lộc may mắn đến cho mình. 

Các bậc cha mẹ cũng cần giải thích rõ cho con hiểu về ý nghĩa tốt đẹp của tục lì xì đầu năm, dạy con cách nhận mừng tuổi có văn hóa: Không xé bao lì xì trước mặt khách, biết thưa gửi, cảm ơn khi nhận tiền lì xì, không bình luận về mệnh giá của tờ tiền, biết tích tiểu thành đại, dùng số tiền này một cách có ý nghĩa như để mua sách vở, đồ dùng học tập hay để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn... 

Một mùa lì xì nữa lại tới. Hãy trân trọng những phong bao mừng tuổi vì đó là tấm lòng, là những lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới.

Nguồn: Hanoimoi