Thời cơ và thách thức của văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình

06:55 | 22/12/2024
Văn hóa là linh hồn, cốt lõi định hình bản sắc dân tộc, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, nền tảng cho sự phát triển trường tồn của dân tộc.
 Thời cơ và thách thức của văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình

Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2025 ngành VHTTDL

Theo tham luận của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2025 ngành VHTTDL, trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển mạnh mẽ, văn hóa Việt Nam đứng trước nhiều thời cơ cũng như thách thức quan trọng, đòi hỏi những giải pháp, hành động cấp thiết để thúc đẩy sự phát triển và vươn mình trên trường quốc tế, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Thuận lợi, thời cơ của văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Khi bước vào kỷ nguyên phát triển và hội nhập, văn hóa Việt Nam có nhiều thuận lợi và thời cơ để vươn mình mạnh mẽ, thể hiện qua nhiều khía cạnh. 

Hội nhập quốc tế sâu rộng: Các hiệp định thương mại tự do (FTA) và giao lưu văn hóa toàn cầu tạo điều kiện để văn hóa Việt Nam được quảng bá và ghi dấu trên trường quốc tế. Các giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc có thể trở thành công cụ mềm, là tấm hộ chiếu vô song để nâng cao vị thế quốc gia.

Vị thế quốc tế ngày càng cao: Việt Nam đã chủ động hội nhập sâu hơn vào quá trình toàn cầu hóa, mở rộng quan hệ đa phương và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, đồng thời giữ vững độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia. Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng trong ASEAN và có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia lớn trên thế giới, tham gia nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, WTO và nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước phát triển, tạo nền tảng cho sự giao thương và hội nhập mạnh mẽ hơn.

Đổi mới công nghệ và công nghiệp: Việt Nam đang chuyển mình từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa với sự tập trung vào công nghệ cao, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách để phát triển hạ tầng kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ.

Dân số trẻ và lực lượng lao động dồi dào: Với lợi thế dân số trẻ, năng động, có tinh thần khởi nghiệp và không ngừng học hỏi, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty đa quốc gia. Lực lượng lao động ở Việt Nam có trình độ và kỹ năng cao giúp thúc đẩy sản xuất và phát triển các ngành dịch vụ như công nghệ thông tin, logistics và du lịch.

Sự ổn định chính trị và cải cách pháp lý: Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực duy trì ổn định chính trị và thực hiện các cải cách pháp lý để cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giúp Việt Nam trở thành điểm đến an toàn và hấp dẫn.

Đầu tư mạnh vào giáo dục và văn hóa: Đầu tư vào giáo dục và bảo tồn văn hóa dân tộc đã giúp tạo ra một nền tảng vững chắc để phát triển bền vững và bảo tồn bản sắc dân tộc, đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức cộng đồng.

Thách thức của văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Bên cạnh nhiều thuận lợi và thời cơ, văn hóa Việt Nam cũng đứng trước những thách thức khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Trong giai đoạn này, việc phát triển văn hóa Việt Nam gặp phải những vấn đề mang tính thách thức sau:

Thách thức trong việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về văn hóa

Trong bất kỳ lĩnh vực nào của xã hội, thể chế, cơ chế, và chính sách là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực đó. Nhiều vấn đề trong thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực văn hóa cần được tiếp tục hoàn thiện như chính sách và pháp luật về thuế trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm nghệ thuật và thị trường, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Hành lang pháp lý để thúc đẩy sự tham gia của những đối tác và nguồn lực vào phát triển văn hóa cũng cần được hoàn chỉnh, như vấn đề hợp tác công tư trong văn hóa chưa được đề cập đến trong Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa qua việc ban hành những thể chế và chính sách mới phù hợp hơn cũng là một vấn đề mang tính thách thức đặt ra trong giai đoạn kỷ nguyên mới này.

Thách thức về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực văn hóa

Tính dàn trải theo khu vực hành chính của nhiều thiết chế văn hóa từ trung ương cho đến xã, thôn về một mặt tạo điều kiện cho sự thụ hưởng của người dân, nhưng mặt khác lại làm phân tán nguồn lực khiến cho hiệu quả hoạt động của mỗi thiết chế văn hóa chưa cao do chưa được đầu tư đúng mức và đầy đủ. Trong bối cảnh kinh tế chưa thật sự phát triển mạnh, nguồn lực cho văn hóa vẫn còn bị hạn chế và đây là một thách thức chưa dễ vượt qua trong kỷ nguyên mới.

Thách thức về giáo dục, đào tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật

Giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật có những đặc thù riêng do đây là những lĩnh vực xã hội và thị trường ít có nhu cầu tuyển dụng. Mặc dù vậy, cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý đối với đào tạo lĩnh vực này còn có những bất cập ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo. Công tác quản lý về đào tạo còn bất cập. Đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác tuyển sinh đầu vào gặp nhiều khó khăn; Công tác khảo thí, kiểm định chất lượng của các cơ sở đào tạo còn hạn chế. Việc hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo, giữa các cơ quan, đơn vị, giữa các bộ, ngành nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo và đơn vị sử dụng nhân lực chưa thực sự chặt chẽ.

Thực trạng hiện nay là số lượng sinh viên theo học các ngành văn hóa và nghệ thuật có chiều hướng giảm, nhất là với những lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Trong giai đoạn sắp tới, dự báo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật có thể gặp nhiều thách thức trong việc đáp ứng sự lớn mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa trong tương lai.

Nguồn: VOV