Xin chữ đầu năm, ước vọng qua từng con chữ
Xin chữ đầu năm đã trở thành thói quen của người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về cùng những ước vọng cho năm mới may mắn, bình an, vạn sự như ý.
Xin chữ đầu năm đã trở thành một tục lệ truyền thống của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về
Ảnh: Hà Phương/VOV
Đây cũng là một nét đẹp văn hóa, thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh những ông đồ mặc áo dài, đội khăn đóng, bày “mực tàu giấy đỏ” trong không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở nên quen thuộc với người dân Hà Nội mỗi dịp đầu Xuân.
Ông Nguyễn Cường ở quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết: "Tôi nhớ ngày xưa, cách đây hơn 60 năm, bà nội tôi dẫn tôi đến Hồ Văn, đối diện Văn Miếu - Quốc Tử Giám để xin chữ. Mỗi dịp Xuân đến, tôi cảm thấy rất háo hức. Tôi sinh ra ở phố Văn Miếu nên thường thấy mọi người ở khắp nơi về đây xin chữ.”
Chữ thường được viết trên nền giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm của người phương Đông còn duy trì tới ngày nay, màu đỏ là màu của sự sống và sự tái sinh, là biểu tượng của sự may mắn.
Người xin chữ ở mọi lứa tuổi, tầng lớp, ngành nghề. Mỗi chữ được cho ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang nỗi niềm, tâm tư, mong ước hay một ý niệm nhất định. Nhưng thường là xin các chữ: Phúc, Lộc, Thọ, An Khang, Cát Tường, Như Ý... để cầu mong sự bình yên cho gia đình, con cháu. Người buôn bán thì xin chữ Phát, Lộc, Tài, Vượng… với mong muốn công việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió.
“Với tôi, tục xin chữ của người Việt có ý nghĩa tinh thần to lớn. Tôi đến đây để xin chữ “An” với mong muốn cả gia đình mình được bình an, hạnh phúc, mạnh khỏe.”
“Tôi thấy phong tục xin chữ đầu năm của Việt Nam rất tuyệt vời. Mọi người đều xin chữ “Tài”, chữ “Lộc”, chữ “Chí”, chữ “Học”… Đây là nét văn hóa nên được duy trì.”
Những người trẻ phấn đấu thường xin chữ: Chí, Thành, Đạt, Đắc, Nhẫn… để mong muốn luôn bền gan, vững chí vượt qua khó khăn, đạt được những mục tiêu đã đề ra trong cuộc sống.
“Em cùng các bạn rủ nhau tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám để xin chữ. Năm nay, em xin cho mình chữ “Nhân nghĩa” là cách đối nhân xử thế, mình có thể chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn và cư xử tốt với mọi người.”
Với chữ “Chí” em hy vọng trong năm nay em có một việc rất quan trọng, đó là tốt nghiệp đại học. Em mong mình có thể tốt nghiệp bằng giỏi và thành công trên con đường mai sau.”
Các bạn nhỏ thường được bố mẹ xin cho các chữ: Học, Hiếu, Lễ, Nghĩa, Tiến… với mong muốn con mình lớn lên là những người con hiếu thảo của gia đình, thành công dân có ích cho xã hội. Chị Trần Thị Hạnh ở Hà Nội cho biết: “Mùng 3 Tết, hai mẹ con tôi đến đây để xin chữ. Con gái tôi năm nay vào lớp 1, bố mẹ muốn hình thành cho con một nếp để con đi xin chữ đầu năm.”
Phần lớn người dân xin các chữ có ý nghĩa cầu bình an, hạnh phúc, đỗ đạt và công danh sự nghiệp.
Ảnh: Hà Phương/VOV
Các ông đồ không chỉ cho chữ mà còn giới thiệu ý nghĩa của từng chữ. Nhà thư pháp Ngọc Đình, người đã gắn bó với việc cho chữ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám khoảng 10 năm nay, chia sẻ: “Vào đầu năm, ai cũng mong muốn những điều may mắn trong cuộc sống. Mọi người hay xin chữ “Phúc”, chữ “Lộc”, chữ “An”, cầu cho gia đình sang năm mới nhiều hạnh phúc, tài lộc, bình an. Bức thư pháp không chỉ là cách viết, bố cục, nội dung mà còn mang lại giá trị cho những độc giả, những người sở hữu bức thư pháp, nêu cao tinh thần truyền thống của ông cha.”
Mỗi nét chữ hiện ra dưới bàn tay uyển chuyển của các ông đồ không chỉ là những tác phẩm thư pháp nghệ thuật, mà còn bộc lộ tấm lòng, tính cách, tâm hồn và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Chữ có thể tùy theo nguyện vọng của người xin chữ, hoặc tùy theo nhận định của người cho chữ đối với người xin.
Ông đồ Nguyễn Văn Tư cho biết: “Việc xin chữ và cho chữ là truyền thống của ông cha. Truyền thống là cái gốc cơ bản của dân tộc vì đây là cái hiếu, cái đạo. Người dân Việt Nam rất quý chữ “tôn sư trọng đạo” và muốn con cháu có kiến thức. Truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam rất đáng quý và đã có từ lâu đời”.
Đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, người dân không chỉ xin chữ mà còn được giao lưu với các ông đồ; qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam.
Tục xin chữ đầu năm thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; đồng thời cũng là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Những câu đối, câu chúc bằng mực tàu trên giấy đỏ là món quà tinh thần ý nghĩa, biểu thị cho những ước vọng đầu Xuân.
Các tin bài khác