ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

11:46 | 28/04/2021
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy sự lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm 2021.
ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Công nghiệp được xem là động lực chính trong dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của ADB

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021 mới công bố, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ đạt mức 6,7%, và đến năm 2022 là 7%.

Đáng chú ý, dự báo tăng trưởng 6,7% trong năm 2021 cao hơn nhận định 6,3% do chính ADB đưa ra hồi đầu năm. ADB cho hay, dự báo này xuất phát từ thành công của Việt Nam trong kìm chế COVID-19 và các động lực tăng trưởng đều có tín hiệu lạc quan.

Ngoài ra, nhận định của ADB cũng cao hơn so với một số dự báo mới được đưa gần đây. Cách đây ít ngày, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6 - 6,3% trong năm 2021.

Trong khi, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Tại đây kịch bản lạc quan nhất, Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 6,47% trong năm 2021.

ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bất chấp những diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19

Theo ADB, công nghiệp được cho sẽ là động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm nay.

"Công nghiệp dự báo sẽ tăng 9,5% trong năm 2021, đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Khu vực này có bước khởi động mạnh mẽ ngay trong quý I/2021, tăng 6,3% so với ba tháng đầu năm 2020.

Chỉ số quản trị mua hàng tăng 53,6 trong tháng 3, mức cao nhất tính từ tháng 1/2019. Các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước mới được dự báo sẽ thành lập nhờ có vaccine COVID-19 tạo thuận lợi cho việc đi lại trong nước cũng như cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam", ADB dự báo.

ADB cũng nhận định khu vực dịch vụ được dự báo phục hồi tăng trưởng ở mức 6%, đóng góp 2,3 điểm % vào tăng trưởng GDP. Cũng theo ADB, bán lẻ tăng 5,1% trong quý I/2021, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã phục hồi.

"Lòng tin của doanh nghiệp gia tăng, phản ánh qua kết quả điều tra doanh nghiệp tháng 12/2020 trong đó 80% doanh nghiệp được điều tra dự báo tình hình kinh doanh trong năm 2021 sẽ khá hơn hoặc giữ ổn định", ADB nhận định.

Cùng với tăng trưởng kinh tế, bất chấp những lo ngại thời gian qua, ADB cũng nhận định lạc quan về khả năng kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Ngân hàng này dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 chỉ là 3,8%, và tăng lên mức 4% trong năm 2022.

Rủi ro kinh tế châu Á trong "bóng ma" COVID-19

Trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á vừa mới được công bố, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á sẽ ở mức 7,3% trong năm 2021. Con số này cao hơn so với ước tính trước đó là 6,8%. ADB cũng dự đoán tăng trưởng trong năm 2022 của 45 nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương sẽ là 5,3%.

"Tăng trưởng đang có nhiều động lực ở các nước đang phát triển, nhưng các đợt bùng phát COVID-19 mới cho thấy đại dịch vẫn là một mối đe dọa lớn", ông Yasuyuki Sawada, nhà kinh tế trưởng của ADB cho biết trong báo cáo.

ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á sẽ ở mức 7,3% trong năm 2021 song cảnh báo những rủi ro từ COVID-19

Bên cạnh đại dịch, ADB cũng cảnh báo những rủi ro khác với sự phục hồi của các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương như căng thẳng địa chính trị, bất ổn chính trị, sản xuất bị gián đoạn, bất ổn tài chính và ảnh hưởng lâu dài do trường học phải đóng cửa do đại dịch…

Theo thống kê của Reuters, châu Á chiếm hơn 16% tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu với 147,9 triệu ca nhiễm. Với hơn 319.000 người chết, khu vực này chiếm 9,8% tổng số nạn nhân thiệt mạng vì đại dịch trên toàn cầu.

Phục hồi không đồng đều

ADB nhấn mạnh, quá trình phục hồi của các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đang diễn ra không đồng đều do nhiều nước đang phải vật lộn với làn sóng COVID-19 mới vì biến thể lây lan quá nhanh.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ nhất sau cuộc suy thoái do đại dịch với mức tăng trưởng được ADB dự báo là 8,1%. Con số ấn tượng này được ADB lý giải là do nhu cầu trong nước và xuất khẩu tăng mạnh. Với năm 2022, ADB dự báo kinh tế của đất nước tỷ dân sẽ giảm xuống mức còn 5,5%.

ADB vẫn lạc quan về tăng trưởng kinh tế Ấn Độ bất chấp nước này đang bị đại dịch COVID-19 tàn phá

Theo khu vực, Nam Á sẽ ghi nhận sự phục hồi kinh tế nhanh nhất trong năm nay với mức tăng trưởng 9,5% trong năm nay nhờ vào sự hồi sinh kinh tế của Ấn Độ. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường tại Ấn Độ, ADB vẫn dự báo tăng trưởng ở 11,0% cho quốc gia Nam Á này trong năm nay. Năm sau, ADB nhận định kinh tế Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng 8,0%.

"Việc triển khai tiêm vaccine của Ấn Độ đang có nhiều kết quả tốt", ông Yasuyuki Sawada nhận định. Quốc gia này đang hướng tới mục tiêu 300 triệu người được tiêm chủng vào tháng 8 tới và đạt được miễn dịch cộng đồng vào năm 2022.

Theo thống kê, Ấn Độ hiện dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm mới hàng ngày. Cứ 3 ca nhiễm mới trên thế giới thì có 1 ca ở Ấn Độ.

Nguồn: VTV.VN