Nhiều giải pháp mở rộng đầu ra cho nông sản trong mùa COVID-19

02:20 | 25/03/2020
Trong khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, mặt hàng nông sản của nước ta bị ùn ứ và rớt giá mạnh, nghiêm trọng nhất là các loại trái cây.
Nhiều giải pháp mở rộng đầu ra cho nông sản trong mùa COVID-19
Thanh long xuất khẩu
 
Khi các cửa khẩu xuất khẩu sang Trung Quốc bị đóng do dịch COVID-19, giá thanh long chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Trong khi đó, vào trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nông sản này được thu mua với giá cao hơn, từ 20.000 - 30.000 đồng. Dưa hấu cũng bị rớt giá tương tự và tiêu thụ khó khăn, có thời điểm chỉ còn ở mức 1.000 đồng/kg, khiến nhiều nông dân không muốn thu hoạch. Đến nay, cơ quan chức năng hai nước thống nhất cho phép hàng hóa Việt Nam xuất khẩu làm thủ tục thông quan. Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu biên giới đang tiếp tục tăng nhanh, khiến hàng trăm xe hàng không thể xuất khẩu, phải nằm chờ trong bến bãi.
 
Việc tiêu thụ và xuất khẩu nhiều loại nông sản đang gặp khó khăn. Trong thời gian qua, không ít loại trái cây bị mất giá, ế hàng và phải kêu gọi giải cứu. Mặt hàng trái cây cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Tuy nhiên, có không ít loại trái cây bằng cách này hoặc cách khác vẫn đang được tiêu thụ tốt.
 
Trong vài tháng trước, sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long có giá bán tại vườn chỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, nay thương lái đến tận vườn thu mua với giá cao hơn khoảng gấp đôi. Tuy nhiên, dù giá cao hay thấp, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, sầu riêng vẫn được tiêu thụ nội địa tốt. Ngoài xuất khẩu, sầu riêng là loại trái cây rất được thị trường trong nước ưa chuộng. Hiện ở các siêu thị, chợ, thậm chí là các quầy bán trái cây ven đường ở Đồng bằng sông Cửu Long, sầu riêng vẫn có mức giá khá cao và cung chưa chắc đủ cầu.
 
Từ câu chuyện của trái sầu riêng, có thể thấy việc kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa có thể là một giải pháp cho các loại trái cây khác ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, nông sản cũ với cách làm mới đã cho những kết quả khả quan. Bánh mì thanh long, bún dưa hấu, bánh tráng thanh long… thu hút rất đông người tiêu dùng trong nước. Những sản phẩm mới này đang góp phần giúp một lượng không nhỏ trái cây Việt Nam được tiêu thụ nội địa tốt, bất chấp thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn do dịch COVID-19.
 
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng tiêu cực đến ngành lúa gạo. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, tình trạng này chỉ diễn ra trong ngắn hạn, còn về dài hạn vẫn rất khả quan. Hiện nay, giá thu mua lúa Đông Xuân đang có lợi cho bà con nông dân.
 
Trước khi có dịch bệnh, chuyện giải cứu nông sản thỉnh thoảng mới xảy ra. Với khó khăn hiện nay, vấn đề này lại được đặt ra. Trong đó, việc tăng khả năng dự trữ, chế biến các mặt hàng trái cây tươi, thủy sản… được xem là hiệu quả, có thể triển khai bài bản với quy mô lớn, từ đó chủ động ứng phó với biến động thị trường.

Nguồn: VTV news