Tin tưởng chính sách ổn định, nhất quán, nguồn nhân lực chất lượng của Việt Nam

13:32 | 15/10/2021
Dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp FDI vẫn cam kết đẩy mạnh đầu tư và rót thêm vốn vào các dự án ở Việt Nam.
Tin tưởng chính sách ổn định, nhất quán, nguồn nhân lực chất lượng của Việt Nam

Hoạt động sản xuất tại Công ty Kim May Organ Việt Nam, Khu Chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP

Các DN FDI kiến nghị Chính phủ có những chính sách ổn định, nhất quán, nguồn nhân lực chất lượng… để hỗ trợ các DN FDI khắc phục những khó khăn, mở cửa sản xuất trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Dù phải đối mặt với làn sóng COVID-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp nhưng trong năm 2021, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn với nhiều cơ hội kinh doanh hiệu quả.

Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Tim Evans nhận định, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong trung hạn. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng lại đổ về và vốn FDI cũng phục hồi trong bối cảnh Việt Nam tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định, dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) FDI vẫn cam kết đẩy mạnh đầu tư và rót thêm vốn vào các dự án ở Việt Nam. Theo Ngân hàng HSBC Việt Nam, điểm tích cực là vốn FDI thực hiện của Việt Nam vẫn tăng 3,8% trong giai đoạn 7 tháng đầu năm. Phần lớn nguồn vốn này được "rót" vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, sau đó là mảng sản xuất và phân phối điện.

Một vài con số cụ thể của một số nhóm quốc gia như sau:

Các DN EU và Anh: Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, trong 8 tháng đầu năm 2021, EU đầu tư vào Việt Nam 109 dự án cấp mới, 33 lượt dự án tăng vốn, 233 lượt góp vốn, mua cổ phần; tổng vốn đầu tư đăng ký là 671,67 triệu USD. Trong đó, Hà Lan có vốn đầu tư lớn nhất là 480 triệu USD, tiếp theo là Đức và Đan Mạch lần lượt với 67,3 triệu USD và 41,64 triệu USD. Thụy Sỹ có 177 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1,92 tỷ USD. Mới đây, Công ty Tetra Pak Thuỵ Điển công bố sẽ đầu tư thêm 5 triệu euro cho nhà máy tại Bình Dương… Anh có 434 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3,98 tỷ USD.

Các DN châu Á: Riêng trong 9 tháng đầu năm, Malaysia có 14 dự án mới, 7 lượt dự án tăng vốn và 49 lượt dự án góp vốn với tổng vốn đăng ký là 115,89 triệu USD.

Samsung dự kiến mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47%, lên 25 triệu chiếc. LG Display cũng vừa duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỷ USD cho nhà máy ở Hải Phòng…

Dịch bệnh diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4/2021, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Dịch bệnh, giãn cách xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN FDI.

Hình minh họa.

Tháng 9/2021, các hiệp hội DN hàng đầu như Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US-ABC), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KoCham) vẫn khẳng định cam kết hỗ trợ các mục tiêu kép của Chính phủ là bảo vệ cuộc sống và sinh kế, bảo đảm sự an toàn của người dân; thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

Các DN FDI kiến nghị Chính phủ có những chính sách ổn định, nhất quán, nguồn nhân lực chất lượng… để hỗ trợ các DN FDI khắc phục những khó khăn, mở cửa sản xuất trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Theo Chủ tịch Amcham Việt Nam Chad Ovel, vaccine là yếu tố then chốt, là điều kiện cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế. Khi thiết lập trạng thái bình thường mới, ngoài mở rộng tiêm chủng cho các đối tượng tham gia sản xuất thì phải có sự phối hợp thống nhất các chính sách quy định cho các DN trên toàn quốc trong phòng ngừa dịch bệnh (từ yêu cầu xét nghiệm, cách ly và điều trị F0…). Nhà nước cần mở rộng tiêm chủng cho các cư dân nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam; cần thống nhất quy định trong cấp "Thẻ xanh" cho người nước ngoài (đã tiêm chủng đủ 2 mũi ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài) để họ có thể hoạt động bình thường ở Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng kiến nghị Nhà nước có lộ trình mở cửa trở lại và phát triển sản xuất kết hợp phòng, chống dịch bệnh cả trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Theo đó, các DN FDI có thể chủ động xây dựng kế hoạch và mở rộng sản xuất riêng của mình. Chính sách cần sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ trên phạm vi toàn quốc và giữa các địa phương. Cần nghiêm cấm tình trạng các địa phương có các quy định cực đoan, cản trở hoạt động dân sinh và kinh doanh.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhấn mạnh, Chính phủ cần có thêm những hành động thiết thực về môi trường kinh doanh, pháp lý cho hoạt động đầu tư, thúc đẩy và bảo vệ hoạt động sản xuất-kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong điều kiện hiện nay, để khắc phục sớm tình trạng đứt gãy hệ thống logistics toàn cầu và ở Việt Nam nói riêng, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thủ tục hải quan để thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu,

Đáp ứng nguyện vọng của các DN, ngày 13/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký ban hành Quyết định số 29/2021/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về quy định ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư quy định tại khoản 2, Điều 20 Luật Đầu tư; Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1951/QĐ-BTC thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nguồn: VTV.VN