Nghề nón ngựa hơn 300 năm ở Bình Định

12:08 | 04/11/2018
Làng Nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) có tuổi đời hơn 300 năm. Gọi là Nón ngựa bởi những chiếc nón có sự bền bỉ thích hợp dùng đội khi cưỡi ngựa. Ngoài ra, đây còn là biểu tượng gắn với đội quân Tây Sơn thần tốc.
Nghề nón ngựa hơn 300 năm ở Bình Định

 Các bà, các cô chăm chỉ làm nghề

Bà Nguyễn Thị Tâm (66 tuổi, xã Cát Tường) đã có hơn 50 năm trong nghề chia sẻ, nguyên liệu dùng làm Nón ngựa đều được lấy ở trong tỉnh Bình Định, như lá cây giang làm sườn, lá kè (cọ) để lợp nón và cây dứa (thơm tàu) thì chải ra làm chỉ.

Các nguyên liệu khác như rễ dứa rừng, cước, chỉ màu, vải the... cũng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng.Để làm ra chiếc Nón ngựa ngựa phải trải qua 10 công đoạn. Trong đó, 4 công đoạn quan trọng nhất là tạo sườn mê, thắt nan sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá cho nón.Đặc biệt, thời xưa, Nón ngựa chỉ dành riêng cho quan lại. Nhìn thấy nón là có thể biết được phẩm hàm của từng quan lại trong địa phương. 

Đồng thời, những mẫu hoa văn như long, lân, quy, phụng thì thể hiện quyền uy. Những người có chức sắc khác nhau, thì sẽ có những mẫu họa tiết sẽ được thêu khác nhau. Hiện nay, người dân làng Nón ngựa Phú Gia đều chằm hai loại nón ngựa khác nhau. Nón bình thường thì chóp nón để trần, trên đỉnh có một chùm chỉ ngũ sắc phất phơ như bông hoa. Chiếc nón này có giá từ 300 – 500 ngàn đồng/chiếc, tùy kích cỡ.

 Trẻ em cũng say mê làm nghề.

Còn đối với loại Nón ngựa làm bắt mắt hơn thì trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, lân, quy, phụng. “Gia đình vẫn còn chiếc nón ngựa được làm cách đây hơn 100 năm những vẫn còn nguyên vẹn với thời gian”- bà Tâm chia sẻ.Hiện, ở xã Cát Tường có nhiều làng làm Nón ngựa, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là ở Phú Gia với hơn 100 người còn làm.Điều đáng mừng, hiện các em 10 tuổi đã được hướng dẫn làm nón. Ngoài giờ học, nhiều em ngồi chăm chỉ chằm nón, đã giữ nghề truyền thống của ông cha.

( Báo Bình Định)

Nguồn: Quehuong online