'Ông Hảo' - Làng nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc

12:46 | 10/09/2019
Với hơn 63 làng nghề truyền thống, Hưng Yên không chỉ nổi tiếng với các làng nghề như: Hương xạ thôn Cao, chạm bạc Huệ Lai, gốm Xuân Quan, .... mà còn được biết đến với làng nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
'Ông Hảo' - Làng nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc

Tại ngôi làng mang tên Ông Hảo (làng Hảo) thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, là ngôi làng có nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống hàng trăm năm tuổi, nơi đây có những người thợ hàng ngày cần mẫn sản xuất ra những chiếc trống, mặt nạ, đầu sư tử,... với rất nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ. Nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống của làng có từ rất lâu vào khoảng những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỉ trước. Trước kia làng tập trung chủ yếu làm trống, nay làng còn phát triển làm các loại đồ chơi như: đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ,... kiểu dáng gần gũi mang đậm bản sắc dân tộc. Những món đồ chơi này đều được làm thủ công từ những nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, cây cối như: tre, nứa, giấy, bìa cát-tông,...

Vào mỗi dịp tết Trung thu, sản phẩm đồ chơi của làng nghề truyền thống thôn Hảo làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của khách, vì chất lượng của một số loại đồ chơi nhập ngoại đang có nguy cơ gây hại cho sức khỏe của con trẻ, vì vậy đồ chơi trung thu truyền thống là sự lựa chọn tốt nhất cho người tiêu dùng. Trong những năm gần đây sản phẩm mẫu mã của làng nghề đã được cải tiến, được nhiều trẻ em yêu thích.

 

Nhìn những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh này chẳng ai có thể ngờ,
nguyên liệu làm ra chúng là từ những tấm bìa... bỏ đi 

Để làm ra một chiếc đèn ông sao, các nghệ nhân thôn Hảo phải vất vả trải qua nhiều công đoạn rất công phu, kỹ lưỡng từ việc chọn nứa cho đến việc cắt dán. Họ dùng nan làm đèn ông sao từ loại nứa bánh tẻ được trẻ thành nhiều đoạn và ngâm trong nước vôi trong để chống mối mọt, có thể để vài năm không hỏng, nứa phải có đốt dài mới tạo được độ dẻo để uốn khung đèn. Sau khi ngâm xong, nứa được đem phơi nắng và chẻ thành nan, nan chẻ ra sẽ được phân loại phần làm nan và phần làm cờ.... Cuối cùng là công đoạn ghép và dán giấy màu cho chiếc đèn. Còn đối với những chiếc mặt nạ (ông Địa, Thằng Bờm,...) được làm từ các nguyên liệu như bìa hoặc giấy bồi, khắc họa các nhân vật yêu thích. Những người thợ dựa trên các cốt mặt nạ bằng xi măng, những tấm bìa cát-tông, giấy báo cũ được xé, dán bằng hồ làm từ bột sắn để tạo ra những chiếc mặt nạ. Các cốt mặt nạ được bồi giấy cho đủ độ cứng, sau đó được đem phơi khô và được tô vẽ màu sắc. Từ những chiếc mặt nạ đơn điệu vô tri, chúng đã được những người thợ nơi đây thổi hồn trở thành những món đồ chơi được con trẻ vô cùng yêu thích.

Mỗi chiếc trống, chiếc mặt nạ, chiếc đèn được làm ra là sự kết tinh mồ hôi, công sức, tinh thần hăng say lao động, lòng nhiệt huyết của những người dân nơi đây. Những món đồ chơi dân gian từ làng Hảo đang được tỏa đi khắp mọi miền của đất nước đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo vị thế trong các hoạt động văn hóa dân gian của dân tộc.

Những món đồ chơi trung thu truyền thống không chỉ đơn thuần để giải trí mà chúng còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng thế hệ trẻ, như một lời nhắn nhủ, lời chúc thầm lặng và sâu sắc của cha ông ta với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học và sự thành đạt.

Theo Quehuongonline, Hungyentourism

Nguồn: Quehuong online