Bán dẫn Việt Nam: Cơ hội vàng và bài toán nhân lực
GS. TS. Phan Mạnh Hưởng, Đại học Nam Florida (Hoa Kỳ).
Việt Nam đang là một trong những quốc gia được các tập đoàn lớn về bán dẫn trên thế giới quan tâm. Cụ thể, các tập đoàn bán dẫn từ Mỹ, như: Intel, Amkor đã và đang chú ý tới Việt Nam. Từ Đài Loan (Trung Quốc) có TSMC, đặc biệt là nhiều tập đoàn lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc như: Samsung cũng đang hiện diện tại thị trường Việt Nam.
Trong bối cảnh này, Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút đầu tư từ các quốc gia lớn, như: Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia Đông Nam Á, nơi có chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực này, như: Singapore, Malaysia, Indonesia.
Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, đặc biệt, đã có những chính sách đổi mới trong thu hút đầu tư. Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 57 tạo đà để thu hút các tập đoàn bán dẫn đầu tư vào Việt Nam. Điều này góp phần tạo nền tảng giúp Việt Nam bứt phá trong thời gian tới, đặc biệt trong việc triển khai các dự án và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ trong ngành bán dẫn mà còn trong các lĩnh vực AI, y tế, sức khỏe.
Tận dụng hiệu quả mô hình hợp tác "trường đại học – doanh nghiệp – chính phủ"
Việc chúng tôi kết nối và đưa đoàn phía Mỹ sang làm việc với Việt Nam là vì tôi thấy rằng thứ nhất, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã nâng lên một tầm cao mới, mở ra cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khoa học - công nghệ. Bán dẫn là một trong những mục tiêu mà cả hai nước muốn gắn kết để tạo thành một bệ phóng trong thời gian tới.
Thứ hai, trong việc phát triển mô hình đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là một trong những bài toán mà Việt Nam cần giải quyết. Làm thế nào để chúng ta có thể đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian ngắn? Khi tôi tìm hiểu về hệ thống giáo dục của Mỹ, đặc biệt là hệ thống đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn, tôi nhận thấy rằng mô hình của họ phát triển rất tốt và phù hợp, đặc biệt, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Đó là lý do tôi đưa các đoàn chuyên gia Mỹ về Việt Nam để hợp tác, cùng phát triển các chương trình liên kết giữa Mỹ và Việt Nam.
Ngày 01/08/2024, Đại học Bách khoa Hà Nội ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Đại học Arizona (Hoa Kỳ) nhằm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và các hoạt động liên quan đến giáo dục STEM. Ảnh: HUST
Mô hình mà Mỹ triển khai nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều đặc điểm ưu việt mà Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi. Khi tôi kết nối với các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu và trường đại học tại Việt Nam, tôi nhận thấy rằng chúng ta hoàn toàn có thể gắn kết thông qua các chương trình hợp tác quốc tế. Các trường đại học Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo thế hệ giảng viên trước khi chúng ta có thể đào tạo đội ngũ kỹ sư, chuyên gia, sinh viên trong lĩnh vực này.
Về mô hình đào tạo, tôi cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất mà chúng ta còn thiếu. Chúng ta cần tìm kiếm một mô hình chuẩn để phát triển. Mỹ, đặc biệt là các trường đại học ở đây, đã xây dựng được những mô hình hiệu quả. Ví dụ, Đại học Arizona, nơi chúng tôi hợp tác, đã thiết lập và triển khai mô hình này rất thành công. Họ cũng mong muốn mở rộng mô hình này, triển khai hợp tác với Việt Nam. Quan hệ Việt - Mỹ và hợp tác song phương giữa các trường đại học hai nước đã tạo ra một cơ hội lớn để chúng ta triển khai các chương trình hợp tác.
Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030
Về nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao, đây là yếu tố cốt lõi. Chúng ta hiện thiếu cơ sở vật chất, giảng viên có chuyên môn sâu và sự kết nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư trong 10-15 năm tới, nhưng cần xác định rõ họ sẽ làm việc ở đâu trong chuỗi cung ứng bán dẫn: thiết kế chip, chế tạo vật liệu, đóng gói hay kiểm thử? Nếu không có chiến lược rõ ràng, chúng ta có thể thiếu nhân lực phù hợp hoặc đào tạo sai chuyên môn.
Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để ngành công nghiệp bán dẫn đất nước chuyển mình. Ảnh minh họa: vneconomy.vn
Intel đã có mặt tại Việt Nam hơn 20 năm, nhưng giờ đây họ đang mở rộng sang các công đoạn có độ phức tạp cao hơn. Nếu Việt Nam muốn tham gia vào thiết kế chip, chúng ta cần xác định sẽ thiết kế ở mức độ nào: cơ bản, trung bình hay cao cấp? Các quốc gia, như: Trung Quốc và Ấn Độ có lợi thế lớn trong việc thiết kế chip cao cấp, nên chúng ta cần chọn một hướng đi phù hợp, có thể tập trung vào các phân khúc trung bình hoặc thấp hơn.
Để phát triển ngành bán dẫn, Việt Nam cần có chiến lược phát triển rõ ràng, nhận diện các thách thức và giải quyết triệt để, từ đó xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tế của ngành công nghiệp bán dẫn.
Các tin bài khác