Đại sứ Ito Naoki: 'Chúng tôi muốn lao động Việt Nam có thể sống hạnh phúc hơn ở Nhật Bản'
Đại sứ Ito Naoki. Ảnh: Nguyễn Khánh (Ảnh chụp tại buổi gặp gỡ với báo chí Việt Nam sau khi Đại sứ trình Quốc thư vào tháng 6/2024)
Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến tháng 10/2023, số lượng người lao động Việt Nam tại Nhật Bản là 518.364 người, chiếm 25,3% trong tổng số hơn 2 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại nước này.
Trung bình, cứ 10 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì có đến 5 người chọn Nhật Bản.
“Nguồn nhân lực người Việt Nam là vô cùng quan trọng và có giá trị đối với nền kinh tế và xã hội Nhật Bản. Nên chúng tôi muốn đảm bảo rằng, ngoài làm việc, người lao động Việt Nam có thể thực sự sống vui vẻ và hạnh phúc hơn ở Nhật Bản” – Đại sứ Ito Naoki nhấn mạnh tại buổi họp báo nhân dịp kỷ niệm một năm hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện (27/11/2023 - 27/11/2024).
Để cải thiện chất lượng sống và môi trường làm việc cho lao động người Việt Nam, cả Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản đều cùng phải hành động.
Về phía Chính phủ, mới đây Nhật Bản đã xây dựng chính sách và cơ chế mới nhằm tăng cường đào tạo tay nghề, nâng cao quyền và lợi ích của lao động nước ngoài tại Nhật Bản, trong đó có lao động Việt Nam.
Ví dụ: Theo quy định cũ, lao động nước ngoài sẽ không được tự ý chuyển đổi công việc trong quá trình lao động ở Nhật. Quy định này sẽ gây bất lợi cho lao động khi họ gặp những tình huống bất khả kháng như bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Luật mới quy định, lao động người nước ngoài có quyền chuyển đổi công việc hoặc doanh nghiệp khi gặp những tình huống bất khả kháng như trên.
Đại sứ Ito cho biết, Nhật Bản mới triển khai xây dựng bộ luật này vào tháng 6 năm nay. Ông hy vọng, những quy định này sẽ đi vào cuộc sống của người dân trong vòng 2-3 năm tới.
Đại sứ Ito ghi nhận: “Người Việt Nam thích nghi rất nhanh với môi trường làm việc tại các công ty Nhật Bản. Nhờ có nguồn nhân lực này mà nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mới duy trì được hoạt động kinh doanh, sản xuất”.
Các tin bài khác