Vị thế mới của tiếng Việt ở thành phố San Francisco

01:28 | 14/06/2024
Theo kết quả bỏ phiếu ngày 11/6, tiếng Việt sẽ trở thành một trong những ngôn ngữ chính thức của thành phố San Francisco (Mỹ).
Vị thế mới của tiếng Việt ở thành phố San Francisco

Thành viên Hội đồng Giám sát San Francisco Shamann Walton phát biểu ngày 11/6, công nhận tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức ở San Francisco. (Nguồn: San Francisco Chronicle)

Báo San Francisco Chronicle cho biết động thái này của Hội đồng Giám sát thành phố San Francisco là một phần trong nỗ lực mở rộng các dịch vụ sử dụng tiếng Anh tới gần 6.800 người chủ yếu nói tiếng Việt tại đây.

Từ năm 2001, San Francisco đã ban hành quy định về tiếp cận ngôn ngữ. Đây là biện pháp giúp cư dân được phục vụ bằng loại ngôn ngữ họ cảm thấy thoải mái nhất.

Tiếng Anh sẽ được dịch ra những loại ngôn ngữ này trong các dịch vụ trong thành phố, và quy định cũ áp dụng đối với các cộng đồng có ít nhất 10.000 người không thông thạo tiếng Anh.

Trong danh sách ngôn ngữ chính thức của San Francisco trước đó có tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Philippines.

Tuy vậy, sự điều chỉnh hôm 11/6 đã hạ ngưỡng 10.000 trên xuống còn 6.000. Trong khi đó, tại San Francisco có 6.791 người chủ yếu nói tiếng Việt, tức chạm mốc yêu cầu đưa tiếng Việt làm ngôn ngữ chính thức.

Quyết định này đồng nghĩa thành phố sẽ cung cấp phiên dịch, thông báo, văn bản trên web... bằng tiếng Việt. Đối với những người ủng hộ động thái trên, thay đổi mới nhất là điều cần thiết trong nỗ lực giải quyết khó khăn trong tiếp cận ngôn ngữ.

Đây cũng là một "lời nhắc nhở" về việc tuân thủ quy định hỗ trợ ngôn ngữ cho người nhập cư, vì có một số ý kiến từng than phiền về việc nhân viên thành phố không cung cấp dịch vụ bằng tiếng Tây Ban Nha.

Việc thúc đẩy dịch vụ bằng ngôn ngữ khác tiếng Anh được xem có ý nghĩa quan trọng để đáp ứng yêu cầu công bằng trong tiếp cận phúc lợi, lợi ích của người nhập cư. Hiện nay vẫn còn một số cộng đồng gốc Phi hoặc vùng Caribe gặp khó khi sử dụng dịch vụ ở San Francisco.

 

Nguồn: Thế giới & Việt Nam