Gala Tiếng Việt 2023 - Tiếng "Mẹ" thân thương: Tôn vinh những sứ giả Tiếng Việt

01:54 | 08/09/2023
Ở đêm Gala Tiếng Việt 2023 với chủ đề Tiếng "Mẹ" thân thương, các sứ giả Tiếng Việt cũng sẽ được giới thiệu và tôn vinh.
Gala Tiếng Việt 2023 - Tiếng

Gala Tiếng Việt 2023 - Tiếng "Mẹ" thân thương do Ban Truyền hình Đối ngoại (VTV4), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức. Sự kiện diễn ra nhằm hưởng ứng đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đêm Gala Tiếng Việt 2023 với chủ đề Tiếng "Mẹ" thân thương được THTT vào ngày 8/9/2023 sẽ được thể hiện theo phong cách đặc biệt, kết hợp truyền hình với loại hình sân khấu biểu diễn (nhạc kịch+kịch hình thể), được đạo diễn bởi nghệ sĩ kịch Hoàng Tùng. Bên cạnh đó, chương trình còn có nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, hoành tráng.

Ở đêm Gala Tiếng Việt 2023 với chủ đề Tiếng "Mẹ" thân thương, các sứ giả Tiếng Việt cũng sẽ được giới thiệu và tôn vinh. Hãy cùng điểm lại những sứ giả tiếng Việt, những nhân vật tiêu biểu sẽ xuất hiện trong đêm Gala.

Bà Elena Zubtsova học tiếng Việt tại trường Đại học Tổng hợp Matxcova từ năm 1976, đó cũng là thời điểm đánh dấu mối duyên của người phụ nữ Nga này với mảnh đất hình chữ S. Năm 1981, lần đầu tiên bà Elena tới Việt Nam và nhanh chóng bị thu hút bởi con người, văn hóa nơi đây. Tới nay, bà đã dành hơn 40 năm gắn bó và truyền lửa cho các sinh viên học tiếng Việt tại Nga.

Bà trở thành phiên dịch viên tiếng Việt cho nhiều đoàn đại biểu và nghệ sĩ Việt Nam tới Liên bang Nga, từ đó, bà đã thiết lập tình bạn bền chặt, khăng khít với cộng đồng người Việt.

Bà Elena cho biết, bà và các con rất thích những món ăn Việt Nam, đặc biệt là nem cuốn, phở, bún và bánh chưng. Ngay cả khi sống ở Matxcova, bà vẫn thường nấu những món ăn Việt. Với Elena Zubtsova, Việt Nam đã vô cùng gần gũi và thân thuộc.

Nhà báo người Nhật Seiichi Kuriki bén duyên với tiếng Việt khi được phân công nhiệm vụ trở thành phóng viên Ban tiếng Việt, Kênh Truyền hình NHK World vào năm 1994.

Lựa chọn học tiếng Việt giúp anh có cơ hội làm việc cùng các đồng nghiệp người Việt, cũng như có cơ hội công tác tại Việt Nam. Nhờ tiếng Việt thông thạo, anh càng tiếp xúc nhiều hơn với những người Việt Nam thân thiện, mến khách, anh càng thêm yêu dải đất hình chữ S.

Đặc biệt, trong suốt sự nghiệp báo chí của mình, nhà báo Kuriki không thể nào quên kỉ niệm về cuộc phỏng vấn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng tiếng Việt.

Năm 2022, Joseph đã chủ động đăng ký chương trình học bổng Chính phủ Fulbright để có cơ hội tới Việt Nam dạy tiếng Anh cho các lớp trường chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ. Nhờ đó, anh đã dành thời gian tìm hiểu về văn hoá Việt Nam, kết bạn, giao lưu với người Việt cũng như trải nghiệm văn hoá Việt Nam.

Sinh ra trong một gia đình gốc Việt ở miền Nam California, Hoa Kỳ, khi còn nhỏ, Joseph Phúc Nguyễn vốn không có hứng thú với việc học tiếng Việt và thấy áp lực khi bố mẹ luôn muốn anh khiến họ tự hào về nguồn gốc Việt Nam.

Năm 2022, Joseph đã chủ động đăng ký chương trình học bổng Chính phủ Fulbright để có cơ hội tới Việt Nam dạy tiếng Anh cho các lớp trường chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ. Nhờ đó, anh đã dành thời gian tìm hiểu về văn hoá Việt Nam, kết bạn, giao lưu với người Việt cũng như trải nghiệm văn hoá Việt Nam.

TS. Trần Hồng Vân là giảng viên đại học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Western Sydney; kiêm chuyên gia nghiên cứu về duy trì tiếng mẹ đẻ và phát triển ngôn ngữ của trẻ em đa ngôn ngữ tại Đại học Charles Sturt, Australia.

Nhận thấy được tầm quan trọng của ngôn ngữ mẹ đẻ, TS. Trần Hồng Vân đã có những đóng góp tích cực trong việc duy trì dạy và học tiếng Việt cho trẻ em người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là tại Australia.

Chị nhận thấy trẻ em người Việt tại Australia khi đến tuổi đi học thì gia đình chỉ chú tâm vào việc phát triển khả năng tiếng Anh, trong khi tiếng Việt đang có nguy cơ bị mai một dần qua từng thế hệ người Việt nhập cư. Chính vì vậy, chị khao khát tìm cách duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ của mình là tiếng Việt tại nơi xứ người.

Sau 5 năm dày công nghiên cứu, chị và các nhóm chuyên gia chính thức phát hành cuốn sách có tựa đề "Trẻ em Đa ngữ" (Vietspeech Multilingual Children). Cuốn sách bao gồm nhiều chủ đề đa dạng như: lợi ích của việc giữ tiếng mẹ đẻ và năng lực đa ngữ, cách khơi gợi niềm yêu thích sử dụng tiếng Việt của con, quá trình và các cột mốc phát triển ngôn ngữ, phát âm và giao tiếp ở trẻ, hệ thống bảng chữ cái và các phụ âm trong tiếng Việt và tiếng Anh, thanh dấu trong tiếng Việt,….

TS. Trần Hồng Vân mong muốn cuốn sách "Trẻ em Đa ngữ" sẽ cung cấp thông tin cần thiết cho việc dạy và học tiếng Việt trong các gia đình, đồng thời hy vọng cuốn sách này sẽ được sử dụng rộng rãi ở những quốc gia và vùng lãnh thổ, nơi có nhiều cộng đồng người Việt đang sinh sống.

Nhà báo người Pháp gốc Việt - Đoan Bùi là con của một người Việt di cư qua Pháp những năm đầu 1970. Sinh ra và lớn lên tại Le Mans (Pháp), gia đình bà là những người Việt Nam duy nhất sinh sống tại đây nên ngay từ nhỏ, ngoài việc giao tiếp trong nhà, tiếng Việt rất ít khi được sử dụng, và rồi dần biến mất khỏi ngôn ngữ giao tiếp trong gia đình.

Rất nhiều lần, nhà báo Đoan Bùi muốn học tiếng Việt nhưng chưa thể thực hiện vì nhiều lý do. Cho tới khi dịch Covid-19 bùng phát, bà đã dành thời gian học tiếng Việt. Nhà báo Đoan Bùi tham gia vào lớp học tiếng Việt trực tuyến của một cô giáo người Việt đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài việc học tiếng Việt với giáo viên, nhà báo Đoan Bùi còn học tiếng Việt qua việc nghe podcast và bài rap bằng tiếng Việt. Ngoài việc là cây bút nổi tiếng của tuần san L’Obs, Đoan Bùi còn được biết đến là tác giả của cuốn tự truyện "Người cha im lặng" (Le silence de mon père) kể về người bố bị tai biến và mất đi khả năng nói chuyện. Hành trình học tiếng Việt của Đoan Bùi là sự tiếp nối của cuốn sách này. Bà hy vọng có thể nói chuyện với ba mẹ bằng tiếng mẹ đẻ của cả hai người.

Nhiều người Việt đã ghé thăm đất nước Srilanka và bày tỏ ước muốn có một ngôi chùa Việt ở đây. Sư thầy Pháp Quang là người xây dựng ngôi chùa Việt đầu tiên tại Sri Lanka có tên gọi Thiền viện Trúc Lâm.

"Thầy ấp ủ xây dựng ngôi chùa vừa làm nơi tu tập, vừa làm nơi lưu trú cho những đoàn ghé thăm miền đất Phật và là nơi để cộng đồng người Việt tại Srilanka giới thiệu văn hóa truyền thống đất nước và vơi đi nỗi nhớ quê hương", sư thầy Pháp Quang chia sẻ lý do xây dựng chùa và mở lớp học Tiếng Việt tại nơi đây.

Ở chùa, buổi sáng các sư tụng kinh tiếng Việt, tối tụng kinh tiếng Srilanka. Nhờ đó, ngôi chùa trở thành điểm đến thường nhật của người dân địa phương. Nhiều lần được nghe giảng pháp bằng tiếng Việt, trẻ em trong thị trấn thấy tò mò rồi dần thích thú và muốn học tiếng Việt để có thể nói chuyện với thầy giúp hiểu hơn về Việt Nam. Do vậy, thầy Pháp Quang quyết định mở lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em Srilanka và tương lai là lớp học dành riêng cho người lớn.

Chị Kiều Thị Bích Hương sáng lập "Kênh Việt Happiness Station" - "Trạm hạnh phúc - Chạm cảm xúc"

Cùng với những người bạn gốc Việt khác đang sinh sống tại Châu Âu, chị Kiều Thị Bích Hương sáng lập "Kênh Việt Happiness Station" - "Trạm hạnh phúc - Chạm cảm xúc" chuyên sản xuất podcast, video và tin tức phục vụ người Việt xa xứ về văn hoá và văn học Việt Nam. Cho tới nay, Kênh Việt đã có kênh youtube và fanpage với hơn 1000 người theo dõi.

Ở thời điểm hiện tại, Kênh Việt Happiness Station tập trung phát triển những dự án đang thực hiện dài kỳ như: chuyên mục "Thưởng thức tinh hoa Việt", dự án "Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài" và dự án "Podcast của tôi - Chuyện của tôi".

Với mong muốn tạo điều kiện cho người Việt, đặc biệt là những bạn trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên tại nước ngoài có cơ hội luyện tập tiếng Việt, Kênh Việt đã tổ chức các cuộc thi đa dạng chủ đề hướng về quê hương như: "Nói món Việt cùng con 2021", "Du lịch cùng con 2022"…

Không chỉ lan tỏa văn hóa Việt tới cộng đồng Bỉ, chị Hương và nhóm của mình mong muốn có thể kết nối với cộng đồng người Việt tại Châu Âu. Dự án "Podcast của tôi - Chuyện của tôi" ra đời vào tháng 3/2023 nhằm khuyến khích thanh thiếu niên người Việt, gốc Việt ở nước ngoài, các du học sinh Việt Nam trong độ tuổi 13-32 khám phá bản thân và lan tỏa những thông điệp tích cực, truyền cảm hứng. Đến nay, ban tổ chức đã nhận được những câu chuyện thú vị gửi về từ Bỉ, Ukraine, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan...

Sau nhiều năm sinh sống và làm việc tại Đức, nhận thấy nguy cơ tiếng Việt đang dần bị mai một trong cộng đồng người Việt nơi đây, chị Đào Thị Châu Hà đã quyết tâm mở lớp học tiếng Việt trực tuyến cho các trẻ em gốc Việt đang sinh sống ở Đức, Áo, Thuỵ Sĩ, với mong muốn giúp các em có cơ hội được học ngôn ngữ mẹ đẻ, cũng như được tìm hiểu những nét văn hoá truyền thống của quê hương mình.

Bên cạnh đó, chị Đào Thị Châu Hà đã thành lập Câu lạc bộ Trẻ nói tiếng Việt ở nước ngoài trên nền tảng Facebook để kết nối các em nhỏ ở khắp nơi trên thế giới. Tại đây, các em được tìm hiểu những câu chuyện về văn hoá Việt Nam, cũng như tham gia các buổi đọc sách tiếng Việt hàng tuần. Đồng thời, chị Châu Hà cũng thành lập kênh YouTube cá nhân nhằm chia sẻ các bài giảng tiếng Việt, cũng như xây dựng bộ học liệu với hệ thống câu hỏi trắc nghiệm về tiếng Việt nhằm giúp những người yêu thích tiếng Việt học hỏi và ôn tập lại kiến thức một cách hiệu quả.

Với khao khát giúp các em nhỏ được tiếp cận nhiều hơn với các đầu sách tiếng Việt, chị Châu Hà còn là tình nguyện viên của dự án "Vườn đọc sách" thuộc nhà xuất bản song ngữ Việt - Đức Horami với vai trò là dẫn chương trình cho nhiều số podcast và là người đọc sách. Đây là dự án được thực hiện với mong muốn là cầu nối giúp các bé gốc Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài tiếp cận gần hơn với các đầu sách thiếu nhi trong nước và quốc tế.

Gala tiếng Việt 2023 - Tiếng "Mẹ" yêu thương là những câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng về việc học và nỗ lực gìn giữ tiếng Việt của cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài. Với các tiết mục kịch hình thể được dàn dựng công phu và các tiết mục âm nhạc đặc sắc, chương trình sẽ là điểm hẹn đầy cảm xúc cho người yêu tiếng Việt.

Vào lúc 20h00, thứ 6 ngày 08/09/2023, chương trình sẽ được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV4, VTV2; Livestream trên các nền tảng số của VTV Digital.

Facebook: https://www.facebook.com/vtv4go

Youtube: https://www.youtube.com/VTV4go

Tiktok: https://www.tiktok.com/@vtv4go

Nguồn: VTV.VN