Chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu: Việt Nam đủ khả năng để vươn lên mạnh mẽ

02:17 | 08/11/2024
Ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ lạc quan về tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam và hy vọng đất nước sẽ trở thành một đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu.
Chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu: Việt Nam đủ khả năng để vươn lên mạnh mẽ

Ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: T.Đ)

Hội thảo do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Hiệp hội bán dẫn Semi tổ chức.

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các tập đoàn và tổ chức lớn trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn như Brainport Industries, Sioux, Besi, Advantest, Lam Research, Soitec… cùng sự tham gia đông đảo của các thành phần trong hệ sinh thái sản xuất ngành công nghiệp bán dẫn như Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), các trường đại học, cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp sản xuất, tổ chức tài chính, đầu tư, và các chuyên gia trong và ngoài nước.

Đây không chỉ là diễn đàn để trao đổi về xu hướng toàn cầu hóa trong ngành sản xuất thiết bị bán dẫn, mà còn thảo luận về cơ hội cũng như thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là trong chuỗi giá trị về sản xuất thiết bị bán dẫn.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đức Tâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành bán dẫn đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Về sự quyết tâm của chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam đã và đang thúc đẩy hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với các quốc gia, nền kinh tế phát triển thế giới.

Thông qua việc mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác bán dẫn uy tín trên thế giới, đất nước đã và đang thực hiện phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, từng bước đồng hành cùng các đối tác, doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất ngành công nghiệp bán dẫn.

"Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn", ông Tâm nói.

Trong khi đó, ông Kees van Baar, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho biết, chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị bán dẫn vốn rất đồ sộ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn - nhỏ trên toàn thế giới trong nhiều phân khúc.

Đại sứ bày tỏ: "Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng và phát huy ngành công nghiệp phụ trợ hiện có để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị này. Sản xuất thiết bị là trụ cột của ngành công nghiệp bán dẫn Hà Lan. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để cùng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành bán dẫn toàn cầu".

Trước bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang bùng nổ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, cụm lắp ráp… cho ngành sản xuất thiết bị bán dẫn, từ đó ngày càng tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành thiết bị bán dẫn toàn cầu.

Với nền tảng nhân lực dồi dào và chi phí sản xuất cạnh tranh, Việt Nam đủ khả năng khai thác những cơ hội này để vươn lên mạnh mẽ.

Hội thảo “Chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu: Cơ hội cho ngành sản xuất Việt Nam” diễn ra với hai phiên tọa đàm.

Phiên tọa đàm thứ nhất với chủ đề “Cơ hội cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu” đã thu hút nhiều sự chú ý với những phân tích sắc bén về xu hướng phát triển và các thành phần tham gia ngành sản xuất thiết bị bán dẫn toàn cầu.

Tại phiên này, các diễn giả nhận định, việc xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt trong sản xuất thiết bị, là vô cùng cần thiết. Sự kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị này.

Tọa đàm thứ hai tập trung vào việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành sản xuất thiết bị bán dẫn.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu thống nhất rằng, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết bị bán dẫn là một quá trình dài hơi, đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác của nhiều bên liên quan.

Việt Nam cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm đội ngũ kỹ sư có chuyên môn và lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu đặc thù của ngành này.

Hội thảo kết thúc với những cam kết mạnh mẽ từ các bên tham gia về việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển chuỗi cung ứng, đầu tư vào đào tạo và nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu, góp phần vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới.

Nguồn: Thế giới & Việt Nam