Cơ hội nào cho du lịch MICE Việt Nam phát triển bền vững và bứt phá?

04:05 | 30/10/2024
Khi khách quốc tế đổi "khẩu vị" và chọn Việt Nam cho các đoàn MICE, chúng ta có cơ hội nhưng lại đối mặt với hạ tầng yếu, đặc biệt là thiếu cơ chế chính sách từ cơ quản lý. Vậy đâu là cơ hội?
 Cơ hội nào cho du lịch MICE Việt Nam phát triển bền vững và bứt phá?

Những đoàn du khách quốc tế ấn tượng khi trải nghiệm cảnh quan điểm đến Việt Nam.

Thời gian qua, Việt Nam đang dần trở thành điểm đến của những đoàn khách quốc tế lớn. Các chuyên gia cho rằng, việc du khách thay đổi “khẩu vị” và chọn khám phá dải đất hình chữ S chính là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho lĩnh vực MICE Việt Nam (hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng, sự kiện).

Bởi chúng ta có tiềm năng nhưng lại thiếu hạ tầng, chiến lược và đặc biệt là cơ chế chính sách từ cơ quản lý. Vậy, du lịch Việt có thể làm gì để khắc phục điểm yếu và xây dựng lộ trình phát triển bền vững cho MICE?

Những “điểm mờ” của du lịch MICE

Tại nhiều diễn đàn, tọa đàm về du lịch MICE gần đây, các chuyên gia đều chung nhận định Việt Nam là điểm đến mạnh về cảnh sắc thiên nhiên đẹp, văn hóa bản địa rất độc đáo, ẩm thực thì đã quá nổi tiếng thế giới. Tiếc rằng, chúng ta chưa có những chính sách để phát triển hết tiềm năng của du lịch MICE Việt Nam. 

Theo Trưởng Bộ môn Quản trị Sự kiện, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tiến sỹ Trịnh Lê Anh, ngành MICE Việt Nam vẫn bị đánh giá là ngành đang bị “mờ” thông tin. Có nghĩa là khách quốc tế rất khó truy cập để tìm hiểu được thông tin rằng ở Hà Nội sẽ có bao nhiêu quỹ phòng có thể cung ứng, bao nhiêu nhân sự có năng lực phục vụ khách đoàn…

“Chúng ta cần minh bạch hóa thông tin để cung cấp cho cả người mua, người bán và tôi tin rằng đấy là cơ hội rất lớn để chúng ta có thể nâng cao sức mạnh nội sinh của ngành du lịch MICE Việt Nam,” tiến sỹ Trịnh Lê Anh nhấn mạnh.

Ảnh Minh Hoạ.jpg

Hội An, điểm đến mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa.

“Đãi cát tìm vàng” những địa phương hiện nay đang làm tốt nhất MICE ở Việt Nam, Giám đốc Vietluxtour chi nhánh Hà Nội, bà Lê Thị Hồng Hạnh đánh giá xếp đầu bảng chính là Đà Nẵng. “Bởi Đà Nẵng không chỉ có hạ tầng đồng bộ, cảnh sắc thiên nhiên độc đáo mà đặc biệt đã từ lâu chính quyền Đà Nẵng luôn đặt du lịch là ngành kinh tế trọng điểm, và có rất nhiều chính sách để thu hút khách MICE đến với địa phương này,” bà Hồng Hạnh chia sẻ.

 

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, ở phía Bắc và phía Nam chúng ta có Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Song, hạn chế vẫn là hạ tầng và năng lực phục vụ của những điểm đến này thường chỉ đón được đồng thời một đoàn khách có quy mô vài trăm khách, tối đa 1.000-1.500 khách

Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Lux Group Phạm Hà cho rằng: “Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta chưa định vị Việt Nam là một điểm đến MICE trong các nhà tổ chức quốc tế. Chúng ta cũng chưa có những cơ quan chuyên trách hoặc là các phòng, ban chuyên về mảng MICE để có thể ‘nói cùng ngôn ngữ’ và thu hút đúng đối tượng khách hàng. Đó là một trong những điểm yếu của du lịch Việt Nam.”

Muốn khắc phục hạn chế này, thu hút được tệp khách chất lượng từ những thị trường trọng điểm, theo CEO Phạm Hà, chúng ta phải có một chiến lược cụ thể, nhằm biết khách du lịch muốn gì và đặc biệt phải đẩy mạnh yếu tố văn hóa bản địa, sự khác biệt của điểm đến Việt Nam so với các nước khác.

Để học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các quốc gia, đại diện các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp của Việt Nam cũng thường xuyên tham gia những sự kiện MICE quốc tế, đặc biệt là tích cực hoạt động MICE ở các nước.

indochine (2).jpg

Du khách quốc tế tham gia một hoạt động trên du thuyền khi trải nghiệm Vịnh Hạ Long.

Đồng quan điểm với CEO Phạm Hà, bà Hồng Hạnh cho biết khi Vietlux Tour làm MICE tại Thái Lan hoặc Singapore thì Chính phủ của các nước luôn có những chính sách thu hút du lịch MICE một cách rất toàn diện và có tầm nhìn dài hạn. Họ có nhiều ưu đãi từ phía Chính phủ, ví dụ như tặng quà cho khách du lịch, cách họ chào đón đoàn, cùng rất nhiều hỗ trợ khác về chính sách.

“Chúng ta chưa có chính sách chung và tầm nhìn dài hạn để có thể kết nối và phát huy toàn bộ những nội lực của du lịch MICE Việt Nam. Tôi mong muốn trong tầm nhìn dài hạn, chúng ta sẽ có những chính sách để đồng bộ về hạ tầng, đặc biệt có những chính sách để phát triển du lịch MICE tại Việt Nam, làm sao để có thể nâng tầm được du lịch MICE trên bản đồ của du lịch MICE châu Á, Đông Nam Á,” bà Hồng Hạnh bày tỏ.

 

Cam kết đồng hành của nhà chức trách

Việt Nam đang trở thành điểm đến với nhiều sự kiện thế giới thông qua lễ cưới của các tỷ phú Ấn Độ ở Việt Nam, cũng như các đoàn khách lớn chưa từng có. Gần đây nhất, chúng ta đã đón tiếp đoàn 4.500 khách du lịch Ấn Độ.

Các chuyên gia khẳng định Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển du lịch MICE. Theo đại diện các đơn vị lữ hành chuyên mảng MICE, tỷ trọng khách MICE nội địa vẫn cao hơn. Còn với thị trường quốc tế, chúng ta sẽ thu hút được đông đảo khách đến từ châu Á nhờ lợi thế về chi phí vé máy bay đường gần sẽ rẻ hơn những đường bay dài. Do vậy, để phát triển thị trường du lịch MICE, Việt Nam cần tập trung vào du lịch MICE trong nước và du lịch MICE ở thị trường châu Á.

Đặc biệt, muốn phát triển du lịch MICE, cần có những giải pháp đồng bộ về hạ tầng, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch để có thể đón tiếp và tổ chức các sự kiện tầm quốc tế.

4.jpg

Một sự kiện quảng bá về du lịch Việt Nam thu hút đông đảo sự quan tâm của khách quốc tế.

Trưởng phòng Quản lý Xúc tiến Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), ông Nguyễn Quý Phương khẳng định Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE (hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng, sự kiện,...), tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa, đặc biệt là giai đoạn sau đại dịch COVID-19.

“Việc phát triển du lịch MICE được gắn kết với các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Thời gian vừa qua, rất nhiều cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành cũng như các điểm đến của Việt Nam được vinh danh là những cơ sở, điểm đến hàng đầu châu Á và thế giới thông qua các giải thưởng như TripAdvisor. Đó là lợi thế,” ông Nguyễn Quý Phương nói.

Hiện nay, theo định hướng chung của ngành du lịch cũng như Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các địa phương đang tích cực phát triển các loại hình du lịch mới nhằm phục vụ đoàn du lịch MICE gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Khánh Hòa... đồng thời tổ chức các hội chợ chuyên đề về du lịch MICE. Đây được coi là tín hiệu tích cực, chủ động của các địa phương, doanh nghiệp theo đúng định hướng chung trong việc triển khai đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

“Với vai trò là cơ quan du lịch quốc gia, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục kết nối, quảng bá, vận động tổ chức nhiều sự kiện đẳng cấp khu vực và quốc tế để thúc đẩy phát triển du lịch MICE, coi đây là yếu tố quan trọng giúp ngành du lịch bứt tốc trong thời gian tới,” đại diện Cục Du lịch Quốc gia khẳng định.

Nguồn: TTXVN