Doanh nghiệp Việt tăng cơ hội tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu

03:26 | 11/06/2024
Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, môi trường kinh doanh ổn định là điểm cộng trong mắt các đối tác nhập khẩu.
Doanh nghiệp Việt tăng cơ hội tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu

Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, môi trường kinh doanh ổn định

Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, môi trường kinh doanh ổn định là điểm cộng trong mắt các đối tác nhập khẩu. Việc thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, khai thác thị trường tiềm năng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa được Chính phủ ban hành.

Lần đầu mang hàng đi kết nối, doanh nghiệp ngành bao bì này đã đã gặt hái được thành công.

Bà Phạm Thị Hải Thanh – Tổng Giám đốc Công ty CP HAPLAST cho biết: "Kết nối được gần 50 khách hàng. Đây là con số rất tốt. Gần 50 khách hàng này đều là khách hàng tiềm năng".

Trong khi đó, những doanh nghiệp đã có thêm khách hàng từ đợt kết nối trước, năm nay tiếp tục cải tiến sản phẩm để chinh phục khách hàng mới.

Bà Mai Thị Ý Nhi - Giám đốc Kinh doanh Công ty Mỹ Phương Food chia sẻ: "Từ Sourcing năm ngoái, mình có được 4 khách hàng. Năm nay, mình tiếp xúc được khá nhiều khách hàng, trong đó một vài khách hàng tạo nhóm làm việc ngay sau khi nói chuyện".

Các nhà mua hàng quốc tế đánh giá, sự khác biệt về thuế quan đóng vai trò quan trọng và là lợi thế của chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, môi trường kinh doanh ổn định, giúp giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng, đảm bảo nguồn cung sản phẩm ổn định.

Bà Jennifer Patton - Giám đốc Khu vực châu Á Tập đoàn Coppel, Mexico nêu ý kiến: "Cả Việt Nam và Mexico đều là thành viên của Hiệp định thương mại CPTPP nên chúng tôi coi thị trường Việt Nam là một thị trường rất quan trọng. Vị trí địa lý, chất lượng, giá cả cạnh tranh là lợi thế cho hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường Mexico".

Ông Herman Xu - Giám đốc Chất lượng toàn cầu Miniso Group nhận định: "Sản xuất của Việt Nam đang có lợi thế về năng lực, chi phí nhân công, khả năng kết nối và logistics dần cải thiện. Hiện các sản phẩm Việt Nam trong chuỗi của chúng tôi khoảng 10% nhưng tỉ lệ này sẽ tăng lên trong thời gian tới".

Theo Bộ Công Thương, các nhà mua hàng đều đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và ưu tiên chuyển đổi xanh. Hơn 500 doanh nghiệp Việt Nam được lựa chọn đều có thế mạnh mà các nhà phân phối, bán lẻ quốc tế tìm kiếm. Các Thương vụ sẽ tích cực cập nhật và hướng dẫn doanh nghiệp để tăng cơ hội vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định: "Các thương vụ và Tham tán thương mại cùng với các bộ phận quản lý thị trường của chúng tôi và các địa phương đã kết nối rất chặt chẽ. Chúng tôi tìm hiểu, phân loại ra các nhóm nhu cầu, nếu cần thiết thì các doanh nghiệp có thể kết nối với các địa phương đi xuống các vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp của Việt Nam để tham gia hoặc tham quan tại các thị trường thì chúng tôi đều kết nối".

Trong tuần này, các đơn vị thu mua sẽ phối hợp cùng các địa phương để đến tham quan nhà máy sản xuất của doanh nghiệp Việt tìm hiểu và "chốt đơn".

Nguồn: VTV.VN