Hàng Việt Nam được đánh giá cao tại Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano

00:28 | 04/12/2023
Các gian hàng Việt Nam thu hút rất nhiều khách tham quan và mua sắm ngay từ ngày khai mạc; các sản phẩm Việt Nam được đánh giá là rất đặc trưng, riêng biệt, đầy màu sắc và độc đáo.
Hàng Việt Nam được đánh giá cao tại Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano

Khách tham quan khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ. (Ảnh: Dương Hoa/TTXVN)

Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano lần thứ 27 diễn ra tại Trung tâm triển lãm ở thành phố Milan, thủ phủ vùng Lombardy, trung tâm kinh tế-văn hóa lớn nhất cả nước, trong các ngày từ 2-10/12.

Hội chợ có sự tham gia của gần 2.600 doanh nghiệp đến từ 86 quốc gia, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng và Chủ tịch Hội đồng Thủ công mỹ nghệ Liên minh châu Âu (EU), bà Elisa Gudi, cùng đại diện lãnh đạo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội đã cắt băng khai trương khu trưng bày của Hà Nội tại hội chợ.

Khu trưng bày được trang trí với hình ảnh, màu sắc đặc trưng các sản phẩm làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP của Hà Nội-Việt Nam.

Khu gian hàng có các sản phẩm của 8 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ uy tín, chất lượng của Hà Nội-Việt Nam gồm: Công ty TNHH một thành viên Musa Pacta, Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Việt Nam, HTX Ngôi nhà xanh, Công ty TNHH LV & Hòn Ngọc Viễn Đông, Công ty Cổ phẩn HANHSILK, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ gốm sứ Nhật Minh, Công ty TNHH 2 TV Minh Giang Craft, Công ty TNHH Kinh doanh và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hương Anh.

Các sản phẩm được trưng bày là đồ trang trí, treo tường, lọ, bình, giỏ, sọt làm bằng sợi chuối; sản phẩm quà tặng, dụng cụ nhà bếp từ mây tre, dừa, gỗ, khảm trai, sản phẩm gia dụng, decor sơn mài; vỏ gối lụa, chăn lụa chần bông, bịt mắt ngủ, khăn mặt, găng tay tắm, khăn tắm, set tẩy trang, kén massage, khăn quàng, khăn mặt tơ tằm, khăn đũi lụa tơ tằm, vải tơ tằm; vòng lụa, bình, lọ, khay, hộp, sơn mài truyền thống; các sản phẩm từ nguyên liệu thiên nhiên như cói, bèo lục bình; gốm sứ; khay, hộp, bát dừa, trang sức sừng, trang sức, phụ kiện, dụng cụ bếp bằng sừng trâu...

Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia hội chợ với tư cách độc lập, bán các sản phẩm mứt trái cây, trà thảo mộc, đồ thêu ren, đèn gốm... với tổng diện tích trên 100m2.

Các gian hàng Việt Nam thu hút rất nhiều khách tham quan và mua sắm ngay từ ngày khai mạc. Các sản phẩm Việt Nam được đánh giá là rất đặc trưng, riêng biệt, đầy màu sắc và độc đáo.

Đại sứ Dương Hải Hưng, bà Elisa Gudi và đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cắt băng khai trương khu gian hàng. (Ảnh: Dương Hoa/TTXVN)

Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành công ty Gestione Fiere, nhà tổ chức của hội chợ này, ông Antonio Intiglietta, đã đến thăm khu trưng bày các sản phẩm và tìm hiểu các mặt hàng đặc trưng của Việt Nam.

Tại buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Dương Hải Hưng cùng các thành viên đoàn Việt Nam tham dự Hội chợ, ông Antonio Intiglietta đã đánh giá cao sự tham gia trở lại của Việt Nam, nhấn mạnh các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh là gốm sứ và các sản phẩm lụa... Ông cũng chia sẻ kết quả chuyến thăm Việt Nam hồi đầu năm 2023 và cho biết sẽ tiếp tục đến Việt Nam trong thời gian tới để phối hợp, hỗ trợ Việt Nam tham gia Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano năm 2024.

Về phần mình, Đại sứ Dương Hải Hưng đề nghị ông Antonio Intiglietta chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ các nước tham dự hội chợ đạt hiệu quả cao, lựa chọn sản phẩm, hỗ trợ thiết kế, quảng bá, chia sẻ thông tin thị hiếu xu hướng thị trường, các nhà mua sỉ...

Hai bên trao đổi một số hoạt động cụ thể và các công tác chuẩn bị cần triển khai trong thời gian tới về sự tham dự của Việt Nam tại Hội chợ trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội đã có các hoạt động tham quan khảo sát thực tế học tập kinh nghiệm chế tác hàng thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề của Italy.

Khu gian hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội-Việt Nam tại hội chợ năm nay góp phần giới thiệu hình ảnh, thông tin về làng nghề, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP Hà Nội-Việt Nam; quảng bá giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thương hiệu doanh nghiệp, làng nghề truyền thống của Hà Nội-Việt Nam đến với thị trường thế giới.

Đây cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp tham dự hội chợ nắm bắt nhu cầu của thị trường, quảng bá sản phẩm, mở rộng mạng lưới khách hàng, cũng như học tập kinh nghiệm sản xuất và cải tiến mẫu mã của các doanh nghiệp nước ngoài, từ đó tạo ra các sản phẩm có giá trị cao về chất lượng và thẩm mỹ, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.

Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano là một sự kiện truyền thống, uy tín, được tổ chức hàng năm, với sự tham gia của nhiều khu gian hàng quốc gia đến từ Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Colombia, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... cùng nhiều nghệ nhân, nhà sản xuất, phân phối, nhà bán lẻ lớn, các chuỗi thực phẩm tại Italy và các nước trên thế giới.

Đại sứ Dương Hải Hưng tặng quà lưu niệm cho bà Elisa Gudi, Chủ tịch Hội đồng Thủ công Mỹ nghệ Liên minh châu Âu (EU). (Ảnh: Dương Hoa/TTXVN)

Ngày hội lớn nhất của các doanh nghiệp ngành thủ công thủ công mỹ nghệ thế giới, được tổ chức từ năm 1996, là nơi lý tưởng để các nghệ nhân từ khắp nơi trên thế giới có thể giới thiệu sản phẩm và những nét đặc sắc của quốc gia mình.

Điểm khác biệt của hội chợ này là các doanh nghiệp không chỉ có thể quảng bá và bán sản phẩm của mình cho công chúng và phát triển mạng lưới khách hàng trong thời gian tổ chức hội chợ mà còn trong suốt cả năm, với nền tảng kỹ thuật số có 1 triệu thành viên đăng ký, cho phép các doanh nghiệp tự quảng cáo và duy trì mối quan hệ thường xuyên với các khách hàng truyền thống và tiềm năng.

Italy được đánh giá là một trong những thị trường lớn và dễ thâm nhập nhất EU về hàng thủ công mỹ nghệ, với tổng kim ngạch buôn bán các sản phẩm này hàng năm lên tới hơn 20 tỷ euro (hơn 21,7 tỷ USD)./.

 

Nguồn: TTXVN