Kinh tế bứt tốc nhờ giải phóng các nguồn lực

03:31 | 29/01/2025
Nhìn lại kinh tế năm Giáp Thìn, con số trên 7% GDP đánh dấu mức tăng trưởng ấn tượng khi cao hơn nhiều so với mức trên 5% của năm trước đó.
Kinh tế bứt tốc nhờ giải phóng các nguồn lực

Ảnh minh họa.

Điều này có được là nhờ nhiều nguồn lực lớn được khai thông như giải ngân vốn FDI ở mức cao nhất từ năm 2020, đạt trên 25 tỷ USD; sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 8,4%. Nền kinh tế Việt Nam đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao nhờ các nguồn lực ngày càng được giải phóng.

Từ cả tiếng đồng hồ tắc đường giờ cao điểm, giờ đi từ Nhổn đến Cầu Giấy chỉ còn 15 phút nhờ tuyến Metro đi vào vận hành năm vừa qua. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 2 - 5% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm là con số thiệt hại tại các quốc gia châu Á do nạn kẹt xe.

Thời gian là tiền bạc, tiết kiệm được thời gian là tăng được năng suất, hiệu quả của cả nền kinh tế. Những công trình giao thông liên tục được hoàn thiện "gối đầu" đang góp phần "giải phóng" rất nhiều nguồn lực cho nền kinh tế.

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam nhận định: "Đầu tư phát triển hạ tầng sẽ là một động cơ chính trong đoàn tàu tăng trưởng giai đoạn tới của Việt Nam khi chi phí kinh doanh được giảm đi, logistic được đẩy mạnh. Tôi rất tin tưởng vào quá trình cải cách mạnh mẽ về thể chế của Việt Nam hiện nay, từ đó rất nhiều thủ tục hành chính được rút gọn và giải phóng tốc độ, ra quyết định giúp Việt Nam bước vào kỷ nguyên tăng trưởng mới".

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm nay và tiến tới tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới của Việt Nam còn được củng cố bởi nền móng tư tưởng vững chắc của Nghị quyết 57 thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

"Có chính sách rất đặc biệt cho ngành công nghệ cao, đầu tư vào khu công nghiệp ở Việt Nam thì không cần xin giấy phép đầu tư, chỉ cần đăng ký đầu tư. Trong 15 ngày, sẽ cấp đăng ký đầu tư nhanh", ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Năm qua cũng đánh dấu 15 năm Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" với thực tế hàng Việt tại các siêu thị đang chiếm tới trên 80%. Sự tự chủ sản xuất hàng hóa không chỉ giúp Việt Nam từ chỗ nhập siêu thành xuất siêu liên tục hơn 10 năm qua, mà còn đưa thị trường tiêu dùng trong nước trở thành động lực tăng trưởng trong bối cảnh thị trường thế giới liên tục có nhiều biến động.

Nguồn: VTV.VN