Nghệ sĩ Pháp, Đức và Việt Nam cùng nhau tái chế rác thành tác phẩm nghệ thuật
Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Đại sứ Đức tại Việt Nam cùng các nghệ sĩ từ Pháp, Đức và Việt Nam tham dự tour nghệ thuật. (Ảnh: Minh Hiền)
Tour nghệ thuật có sự tham gia của ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, bà Helga Margarete Barth, Đại sứ Đức tại Việt Nam cùng các nghệ sĩ từ Pháp, Đức và Việt Nam.
Tour nghệ thuật là một phần của dự án Vườn cộng đồng do Goethe-Institut Hà Nội, Viện Pháp tại Hà Nội và doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds phối hợp tổ chức. Thông qua việc ứng dụng sáng tạo nghệ thuật công cộng và thực hành tái chế, dự án nỗ lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của các không gian công cộng và cảnh quan đô thị tại Hà Nội.
Tại đây, người tham gia có thể thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật công cộng do nghệ sĩ 3 nước cùng nhau sáng tạo.
Các khách mời cùng ngồi lại, chia sẻ những góc nhìn về tái chế và phát triển bền vững. (Ảnh: Minh Hiền)
Chương trình diễn ra trong không khí thân mật, chân tình, các đại diện từ 3 nước cùng ngồi lại và trò chuyện về dự án sân chơi Phúc Tân.
Đặc biệt, thay vì tổ chức bên ngoài các phòng triển lãm, tour nghệ thuật hướng tới các không gian xanh và các khu dân cư, sử dụng vật liệu tái chế và bảo đảm sự tham gia của người dân địa phương trong quá trình thực hiện tác phẩm.
Trong khuôn khổ chương trình, bà Helga Margarete Barth, Đại sứ Đức tại Việt Nam cho biết đây là dự án hợp tác vô cùng quan trọng giữa ba nước trong những nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững.
Đối với bà Barth, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ hàng đầu của mọi đất nước, không chỉ cho hiện tại mà còn cho thế hệ tương lai.
Ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh, Pháp và Đức sẽ tiếp tục tài trợ cho dự án này, nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Hà Nội.
Ông Olivier Brochet cho biết, Pháp, Đức cùng các đối tác châu Âu có rất nhiều kinh nghiệm về phát triển bền vững muốn chia sẻ với Việt Nam. (Ảnh: Minh Hiền)
Theo ông Brochet, Hà Nội là một thành phố phát triển với tốc độ chóng mặt, nhưng trong quá trình tiến lên phía trước này, vẫn phải bảo đảm tính bền vững để hướng tới một thủ đô “xanh” với chất lượng cuộc sống cao và hệ thống giao thông thuận lợi cho tất cả mọi người.
Ông Brochet cho biết, về vấn đề phát triển bền vững, Pháp, Đức cùng các đối tác châu Âu sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.
“Dự án ngày hôm nay thể hiện sự hợp tác bền chặt giữa Pháp, Đức và các đối tác địa phương của Việt Nam, đồng thời là minh chứng cho khái niệm về “nền kinh tế tuần hoàn”, ông khẳng định.
Đây cũng là dịp để các nhiều nghệ sĩ từ 3 nước Pháp, Đức và Việt Nam có thể chia sẻ các góc nhìn về việc sử dụng nghệ thuật nhằm nâng cao nhận thức đối với các vấn đề môi trường tại địa phương.
Theo nghệ sĩ Pháp Maxime Péroz, một trong những người tham gia “thổi hồn” cho sân chơi, vẽ không chỉ là một trong những phương thức giao tiếp mà còn giúp lan toả các thông điệp về môi trường một cách trực quan nhất.
Nghệ sĩ Pháp Maxime Péroz mong muốn dùng nghệ thuật để lan toả các thông điệp về môi trường. (Ảnh: Minh Hiền)
Các tác phẩm của ông Péroz mang đều màu sắc Việt Nam, với những hình ảnh rất đỗi giản dị như cầu Long Biên, đời sống thường nhật của người dân bên bờ bãi sông Hồng…
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đại diện doanh nghiệp Think Playground cho biết, sân chơi xây dựng hoàn toàn từ những vật liệu đã qua tái chế ngay tại địa phương và an toàn cho môi trường theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu.
Từ bãi rác ngoài rìa thành phố, nơi đây đã trở thành sân chơi xanh cho trẻ em. (Ảnh: Minh Hiền)
Ông Đạt cho rằng, thay vì xây dựng các chiến dịch dọn rác hay nhặt rác ít hiệu quả, Think Playground nỗ lực hướng tới dự án mang tính gắn kết cộng đồng cao hơn với nguồn lợi lớn nhất cho người dân tại khu vực này. Thông qua dự án, những bãi rác bên bờ sông Hồng sẽ ngày càng “xanh tươi” và Hà Nội trở thành một thành phố thân thiện với mọi gia đình, trẻ nhỏ.
Những sản phẩm tái chế từ thuỷ tinh trong tour nghệ thuật. (Ảnh: Minh Hiền)
Vườn cộng đồng (Community Garden) là dự án hợp tác giữa Goethe-Institut Hà Nội, Viện Pháp tại Hà Nội và Think Playgrounds. Thông qua ứng dụng sáng tạo nghệ thuật công cộng và thực hành tái chế, dự án mong muốn thúc đẩy sự phát triển bền vững của các không gian công cộng và cảnh quan đô thị tại Hà Nội.
Các nghệ sĩ từ Đức, Pháp và Việt Nam hòa mình vào không gian bờ vở sông Hồng - khu vực từng bị bỏ quên và xả rác bừa bãi giữa lòng Hà Nội, sử dụng thực hành nghệ thuật để nói về các lớp lang của câu chuyện sinh thái, cũng như mẩu chuyện của những con người đang sống trên rìa thành phố.
Dự án do Quỹ văn hóa Pháp-Đức tài trợ và diễn ra từ tháng 9-11/2024.
Các tin bài khác